Chật vật tìm nước sinh hoạt
Do nắng hạn kéo dài, nhiều địa phương trong tỉnh đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng…
Thiếu nước trầm trọng
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có gần 17.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, tập trung chủ yếu tại các huyện Buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Bông, Ea Kar, thị xã Buôn Hồ… Do tình trạng hạn hán diễn ra trên diện rộng, các nguồn nước bề mặt và nước ngầm đang trở nên khan hiếm. Toàn tỉnh đã có khoảng 250/770 hồ, đập chứa đã cạn kiệt nước, nhiều sông, suối, ao hồ cũng bị trơ đáy, nguồn nước ngầm đã tụt giảm từ 5-10 m, cá biệt có những khu vực mạch nước ngầm tụt sâu 20 - 30 m, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.
Ông Ama Phôi ở buôn Huk B, xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) đang mua nước sinh hoạt. |
Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Ea Siên (thị xã Buôn Hồ) cho biết, trên địa bàn xã hiện có khoảng 200 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, gay gắt nhất là ở các thôn 1A, 1B, 6A, 6B. Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hằng ngày bà con trong xã phải tự san sẻ nguồn nước cho nhau. Tuy nhiên, hầu hết các giếng còn sử dụng được cũng phải “dè sẻn” vì chỉ bơm 5-10 phút lại hết nước, phải chờ cả giờ đồng hồ mới có lại. Thôn 1A là khu vực trung tâm xã, năm 2002 đã được tỉnh đầu tư xây dựng một công trình giếng khoan và bồn chứa nước tập trung để cấp nước sinh hoạt cho khoảng 300 hộ dân nhưng đến nay cũng không sử dụng được vì nguồn nước đã cạn kiệt. Hiện nay, trên địa bàn thôn 1A có khoảng trên 100 hộ dân, 1 trạm y tế, 3 trường học và trụ sở UBND xã không có nước sinh hoạt. Chính quyền địa phương đang phải huy động lực lượng đoàn viên thanh niên xin nước của một số hộ dân có giếng còn sử dụng được, phần nào bảo đảm đủ cho 3 trường học và trạm y tế xã hoạt động.
Tại huyện Buôn Đôn, đến thời điểm này đã có trên 2.400 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, chủ yếu là ở các xã Ea Nuôl, Tân Hòa và Ea Huar. Cô Nguyễn Thị Cảnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng (xã Tân Hòa) cho hay, trường có 400 học sinh bán trú, nhiều ngày qua ban giám hiệu đang khốn khổ tìm nguồn nước sinh hoạt phục vụ việc ăn, uống cho các cháu. Trường đang vận động phụ huynh đóng góp tiền để mua nước bình cho các cháu sử dụng. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế người dân đa phần đều khó khăn, trong khi họ cũng đang thiếu nước sinh hoạt nên phương án này không thực sự khả quan. Hiện nhà trường đang phải huy động giáo viên và hội phụ huynh học sinh đến các xã khác xin nước, bảo đảm việc sinh hoạt, học tập của các cháu.
Xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) cũng có khoảng 528 hộ thiếu nước sinh hoạt, người dân đang đổ xô đào, khoan giếng để tìm nguồn nước. Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2016, toàn xã đã có gần 50 giếng được đào, khoan sâu thêm và khoan mới. Anh Võ Quốc Cúc ở thôn 2 cho biết, do 2 giếng nước nhà anh đã cạn khô nên đầu tháng 2-2016 anh đã thuê người khoan thêm giếng mới sâu 120 m mà không có nước. Anh và một số hộ dân trong xóm đã góp tiền mua bồn chứa, sang các thôn khác, thậm chí là ra thị trấn Quảng Phú để mua nước về dùng chung với giá mỗi mét khối 50.000 đồng.
Nỗ lực cùng người dân chống hạn
Trên địa bàn xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar), năm 2004, tỉnh đã đầu tư một giếng nước tập trung tại thôn 1, nhưng do quá trình sử dụng lâu năm đến nay bị hư hỏng. Năm nay, chính quyền xã đã huy động bà con góp tiền tu sửa máy bơm, đường ống và thau rửa bồn để tích trữ nước phục vụ sinh hoạt. Hiện giếng nước tập trung này tạm thời đáp ứng được nhu cầu nước hợp vệ sinh cho trên 100 hộ dân trong thôn. Theo ông Nguyễn Quang Dáp, Phó Chủ tịch UBND xã, địa phương đang có kế hoạch tham mưu UBND huyện hỗ trợ kinh phí khoan thêm ít nhất 7 giếng cùng các bể chứa tập trung để phần nào đáp ứng nước sinh hoạt cho nhân dân tại 7 buôn đang thiếu nước trầm trọng.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho hay, theo kế hoạch chống hạn của tỉnh thì các địa phương phải luôn ưu tiên giải quyết nước sinh hoạt cho người dân. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời đến người dân về diễn biến, nguy cơ hạn hán để người dân chủ động tham gia chống hạn, đặc biệt là sử dụng nước tiết kiệm; vận động bà con có giếng nước tận dụng, san sẻ nguồn nước cho nhau, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, ổn định đời sống.
Công trình cấp nước tại thôn 1, xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) tạm thời đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho trên 100 hộ dân. |
Trước tình hình thiếu nước sinh hoạt gay gắt như hiện nay, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Y Dhăm Ênuôl cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương có biện pháp thăm dò địa chất, thăm dò nguồn nước để từng bước hỗ trợ bà con khoan giếng và đầu tư bồn chứa nước tập trung, phần nào cung ứng nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho bà con. Tỉnh cũng chỉ đạo các ngành chức năng, và các địa phương quan tâm bảo đảm nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho người dân phải hợp vệ sinh, tránh bị phát sinh và lây lan dịch bệnh. Về lâu dài, tỉnh sẽ có quy hoạch bảo vệ và phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên nước, nhất là nguồn nước ngầm, không để kéo dài tình trạng người dân đào, khoan giếng tràn lan như hiện nay. Theo đó, người dân cũng như chính quyền địa phương khi khoan giếng phải phối hợp với cơ quan chuyên môn để có biện pháp thăm dò địa chất, tìm nguồn nước và mức độ sử dụng phù hợp, tránh đầu tư không hiệu quả, làm suy giảm nguồn tài nguyên nước về sau. Mặt khác, UBND tỉnh cũng đang có văn bản đề nghị Trung ương triển khai các biện pháp hỗ trợ tỉnh trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng hiệu quả, nhất là các rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn, góp phần hạn chế tình trạng sụt giảm mạch nước ngầm. UBND tỉnh cũng đang đề nghị Trung ương hỗ trợ vốn để đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi trọng điểm và kinh phí chống hạn; chỉ đạo chủ đầu tư các công trình thủy điện trên địa bàn triển khai các biện pháp vận hành, điều tiết nước hợp lý, bảo đảm nguồn nước cho vùng hạ du, giúp ổn định đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc