Dấu ấn trong thu hút đầu tư
Thời gian qua, hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực với dấu ấn đáng ghi nhận là nhiều nhà đầu tư mang dự án (DA) có quy mô lớn đến Đắk Lắk.
Đoàn công tác của UBND tỉnh kiểm tra hệ thống xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Hòa Phú. |
Những năm gần đây, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, doanh nghiệp (DN) khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, giá nguyên liệu tăng, hàng tồn kho nhiều nên không đầu tư mở rộng sản xuất. Trong bối cảnh đó, Đắk Lắk đã tăng cường hoàn thiện thể chế, ban hành một số chính sách ưu đãi, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư. Theo đó, hỗ trợ đầu tư một số hạng mục công trình trong khu, cụm công nghiệp như đường trục chính, hệ thống xử lý nước thải, cổng, tường rào…; DN được miễn tiền thuê đất trong vòng 25 năm và giảm 70% trong thời gian còn lại của DA đầu tư tại các phường thuộc TP. Buôn Ma Thuột; miễn 25 năm tiền thuê đất, giảm 85% trong thời gian còn lại với DA tại các xã thuộc TP. Buôn Ma Thuột và miễn 100% đối với các địa bàn khác. Đặc biệt, địa phương cũng triển khai tích cực các giải pháp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), hướng dẫn, hỗ trợ DN trong quá trình chuẩn bị và triển khai DA. Theo số liệu của Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư), từ 2012 đến nay, Đắk Lắk đã thu hút được 600 DA, với tổng số vốn đăng ký hơn 80.000 tỷ đồng (trong đó, 11 DA có vốn đầu tư nước ngoài, tổng số vốn 118,6 triệu USD); đặc biệt, đã thu hút được nhiều DA của các nhà đầu tư có uy tín và thương hiệu như DA điện gió tại huyện Ea H’leo (vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng), nhà máy chế biến cà phê Ngon tại huyện Cư Kuin (1.275 tỷ đồng), phát triển nhà ở thương mại tại TP. Buôn Ma Thuột (640 tỷ đồng), khu phức hợp đa chức năng tại TP. Buôn Ma Thuột (632 tỷ đồng), khu liên hợp nông công nghiệp bò sữa tại huyện Ea H’leo (1.500 tỷ đồng) và khu phức hợp công nghiệp mía đường tại huyện Ea Súp (1.366 tỷ đồng). Đáng chú ý là mới đây, 2 nhà đầu tư của Hàn Quốc đã khảo sát và tiến hành các thủ tục dự kiến đầu tư DA quy mô rất lớn trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Công ty Solarpark đang xúc tiến DA xây dựng nhà máy điện mặt trời, công suất 310 - 500 MW, diện tích 500 ha, vốn đầu tư 600 triệu – 1 tỷ USD, được đánh giá là một trong những DA điện mặt trời lớn nhất thế giới. Nhà đầu tư đã lựa chọn giải pháp đặt nhà máy tại khu vực hồ Ea Súp Thượng (huyện Ea Súp) theo phương án lắp đặt các tấm năng lượng trên mặt hồ để phát điện, và mới đây, UBND tỉnh cùng chủ đầu tư đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác. Trong khi đó, Công ty TASCO đang tìm kiếm địa điểm để xây dựng 1 cụm công nghiệp chuyên ngành may và các sản phẩm phụ trợ với diện tích tối thiểu 50 ha. Chủ đầu tư đã khảo sát tại Cụm Công nghiệp Cư Kuin và Khu Công nghiệp Hòa Phú, dự kiến sẽ di dời nhà máy dệt may tại Hàn Quốc về KCN Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột), sau đó sẽ xây dựng CCN chuyên ngành may mặc. Tại buổi làm việc với đại diện DN này đầu tháng 3 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị đánh giá cao quy mô, phương án, triển vọng của DA trong việc đóng góp nguồn thu cho địa phương, tạo việc làm cho người lao động và thu hút các DN nước ngoài đến đầu tư tại các khu, CCN của tỉnh.
Đoàn công tác của UBND tỉnh thăm một cơ sở sản xuất tại Khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). |
Trong năm 2015, chỉ số PCI của Đắk Lắk xếp vị trí thứ 23 cả nước (tăng 7 bậc so với năm 2014), trong đó, các tiêu chí nổi bật nhất là tính năng động, tiên phong của lãnh đạo tỉnh và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Tạ Văn Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư cho biết, sự tăng lên của PCI cho thấy môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng rộng mở và minh bạch, đồng thời, khẳng định sức hút, uy tín của địa phương trong mắt các nhà đầu tư. Đây là cơ sở để thuyết phục các DN đến đầu tư tại Đắk Lắk trong thời gian tới.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc