Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương: Những tín hiệu vui
Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương LRAMP (Loca Road Asstes Management Project) vừa mới được Bộ GTVT phê duyệt đầu tháng 3-2016 được xem là tín hiệu lạc quan trong việc phát triển hạ tầng giao thông nông thôn của cả nước, trong đó có Đắk Lắk.
Theo quyết định số 622/QĐ-BGTVT ngày 2-3-2016 được Bộ GTVT phê duyệt, dự án LRAMP gồm 2 hợp phần chính là đường và cầu, trong đó, hợp phần đường được triển khai tại 14 tỉnh gồm Lào Cai, Hà Giang, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bắc Kạn, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Lạng Sơn, Cao Bằng và Bình Định. Cơ chế thực hiện hợp phần này do Bộ GTVT đóng vai trò là chủ quản và điều phối chung; UBND các tỉnh là cơ quan chủ quản các dự án thành phần. Theo đó, hợp phần này sẽ tiến hành đầu tư khôi phục, cải tạo khoảng 676 km đường và bảo dưỡng thường xuyên 61.109 km đường trên cơ sở kế hoạch chi tiêu trung hạn (MTEP) do các tỉnh lập và nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (WB) phân bổ. Hợp phần cầu dân sinh sẽ có 2.174 cầu dân sinh được xây dựng mới tại 50 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hải Dương, Phú Yên, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Phước, Trà Vinh, Đồng Nai, Vĩnh Long, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Tây Ninh, Cần Thơ, Đồng Tháp và Bến Tre. Hợp phần này do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư.
Không có cầu, hằng ngày người dân xã Đắk Phơi (huyện Lắk) phải đi lại qua con suối Đắk Phơi. |
Được biết, các cầu dân sinh được lựa chọn trong dự án này nằm trong Chương trình xây dựng 4.145 cầu dân sinh bảo đảm ATGT vùng DTTS giai đoạn 2014 - 2020 theo Quyết định số 2529/QĐ-TTg ngày 31-12-2015 của Thủ tướng Chính phủ. Tổng nguồn vốn đầu tư cho riêng hợp phần cầu gồm vốn vay của WB trên 5.525 tỷ đồng, ngân sách Trung ương gần 273 tỷ đồng; phần đối ứng của địa phương, các tỉnh có dự án đã cam kết tự huy động nguồn lực cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), rà phá bom mìn, vật nổ (chi phí này không tính trong tổng mức đầu tư dự án).
Là 1 trong 50 tỉnh, thành trong cả nước được tham gia dự án LRAMP lần này, tỉnh Đắk Lắk sẽ được xây mới 122 cầu, tổng chiều dài gần 2.900 mét, với nguồn vốn vay WB được phân bổ 8,56 triệu USD (tương đương 193 tỷ đồng). Như vậy, Đắk Lắk là một trong 2 tỉnh, thành có số lượng cầu được xây mới lớn của cả nước, chỉ đứng sau tỉnh Lào Cai với 130 cầu. Để sàng lọc các vị trí xây dựng cầu theo tiêu chí của dự án và phù hợp với nguồn vốn được phân bổ, tỉnh đã lựa chọn các thôn, buôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng DTTS giai đoạn 2012-2015 theo Quyết định số 447/QĐ-UBDT của Ủy ban dân tộc; tại các đường liên thôn, liên xã, vùng vượt suối có nguy cơ mất an toàn giao thông cao, những nơi có kết nối với các công trình phúc lợi của địa phương như trường học, trạm y tế rải đều ở hầu khắp huyện, thị xã và thành phố. Trong đó, ưu tiên cho những cầu: cầu buôn Yuk (Lắk), thôn Giang Thành (Krông Năng), Bình Sơn (Ea H’leo), buôn H’Mông (Cư M’gar), buôn Ba Na (Ea Súp)… Qua đó, sẽ có gần 500.000 người dân được hưởng lợi trong việc đi lại, sản xuất... Mới đây nhất, vào tháng 1-2016, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ GTVT về việc cam kết vốn đối ứng của địa phương để thực hiện công tác GPMB, rà phá bom mìn. Theo tinh thần chỉ đạo chung của Bộ GTVT, phương án GPMB mà Đắk Lắk lựa chọn là các vị trí giảm thiểu tối đa về việc di dời nhà cửa, chỉ đền bù đất, hoa màu ở phạm vi đường 2 đầu cầu, không xây dựng cầu tại các vị trí yêu cầu tái định cư.
Cầu dân sinh nằm trên đường từ xã Cư Né (Krông Búk) đến xã Ea Tóh (Krông Năng) bị hư hỏng, không đảm bảo ATGT. |
Theo đánh giá của Sở GTVT, việc đầu tư dự án này trên phạm vi cả nước nói chung, Đắk Lắk nói riêng là tín hiệu lạc quan trong việc phát triển hạ tầng giao thông, giúp giảm gánh nặng cho địa phương trong việc huy động nguồn vốn, ngân sách để xây dựng mới các cầu dân sinh vốn xuống cấp, hư hỏng nặng. Dự án hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, sinh hoạt, bảo đảm ATGT cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS. Cùng với đó góp phần xóa bỏ chia cắt cộng đồng, kết nối liên kết vùng nhằm bảo đảm phát triển bền vững để thực hiện mục tiêu Chương trình hành động chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 của Chính phủ về mục tiêu giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc