Multimedia Đọc Báo in

Nông sản hội nhập: Cần một cuộc đổi thay (Kỳ 1)

08:57, 11/04/2016

Hội nhập là xu thế phát triển tất yếu của kinh tế thế giới, và hàng nông sản Đắk Lắk cũng đang đi theo lộ trình ấy. Tuy nhiên, những bất cập từ khâu sản xuất tới tiêu thụ khiến nông sản đang đánh mất dần cơ hội hội nhập hiếm có của mình. Vì vậy, ngành nông nghiệp cần thực hiện cuộc cải tổ, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị toàn cầu để vực dậy ngành hàng, từng bước thâm nhập thị trường quốc tế.

Kỳ 1: Thực trạng... buồn!

Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết và dự kiến sẽ có hiệu lực trong năm 2018. Tuy nhiên, đến nay các mặt hàng nông sản Đắk Lắk vẫn đang loay hoay tìm đường hội nhập, trong khi đó bản thân các sản phẩm nông sản chưa thoát khỏi lề thói xưa cũ khiến gánh nặng đầu ra đang đè nặng lên vai người nông dân, doanh nghiệp (DN) và cả ngành Nông nghiệp.

Chạy theo phong trào

Với tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai và những sản phẩm mang tầm cỡ quốc tế của mình như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, mật ong…, Đắk Lắk có rất nhiều cơ hội, ưu thế cạnh tranh khi cánh cửa hội nhập ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, các loại nông sản chủ lực nói trên lại luôn quanh quẩn với nhịp điệu lỗi nhịp “được mùa mất giá, mất mùa được giá” khiến nông dân rơi vào cảnh lao đao. Đầu tiên, phải nói đến cây điều, vốn là cây trồng có năng suất cao nhất cả nước, có thời điểm diện tích lên đến 47.000 ha (2006). Do có thể thích nghi được với vùng đất khô cằn, thiếu nước tưới, tuy giá bán chỉ trên 20.000 đồng/kg nhưng cũng đem lại nguồn thu lớn cho người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, nhưng những năm 2007 điều rớt giá, người dân lại ồ ạt chặt phá, chuyển đổi sang trồng cà phê, tiêu, cao su. Đến thời điểm này, khi diện tích giảm chỉ còn 20.000 ha thì giá điều lại tăng lên trên dưới 30.000 đồng/kg khiến nông dân tiếc nuối, nhiều người quay lại trồng điều trên những diện tích trước đây bị chặt bỏ. Tương tự, sau thời hoàng kim trong thập niên đầu của thế kỷ XXI, với nguồn lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/ha/năm, thì gần đây, cây cao su cũng lâm vào tình cảnh mất giá khiến người dân, DN gặp khó khăn, phải bù lỗ để duy trì vườn cây. Trên địa bàn tỉnh, hàng ngàn ha cao su đã bị chặt bỏ, chuyển đổi sang trồng các loại cây khác mặc dù đang trong thời kỳ kinh doanh hoặc chuẩn bị bước vào kinh doanh (sau 4-5 năm kiến thiết cơ bản). Tình trạng tương tự cũng xuất hiện với cây cà phê, theo quy quy hoạch của tỉnh, đến năm 2020, toàn tỉnh có 150.000 ha, nhưng hiện tại, diện tích đã lên tới hơn 203.000 ha, do giá cà phê xuống thấp, lại liên tục biến động, khiến nhiều người không còn mặn mà với loại cây trồng này. Ông Phan Văn Lưu, phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột trồng 2 ha từ gần 20 năm cho biết, suốt niên vụ 2014-2015 giá cà phê luôn ở mức thấp nên gia đình không bán, niên vụ 2015-2016 cà phê lại tiếp tục rớt giá, năng suất thấp nên gia đình bán tươi ngay sau thu hoạch để tiết kiệm nhân công và có kinh phí tái đầu tư vườn cây, còn số cà phê của niên vụ trước đó vẫn còn trong kho. Liên tiếp nhiều năm bị mất mùa vì ảnh hưởng của hạn hán, giá bán thấp, nhiều người trồng cà phê đang bán vườn hoặc chuyển đổi sang trồng cây khác. Với cây hồ tiêu, sau thời gian dài giữ mức giá kỷ lục trên dưới 200.000 đồng/kg thì từ nửa cuối năm 2015 đến nay, giá đang tuột dốc thảm hại, chỉ còn 130.000-150.000 đồng/kg (tùy zem). Với mức giá đó, trồng tiêu vẫn cho lãi nhưng việc trượt giá, mất giá đồng nghĩa người trồng mất chừng đó lợi nhuận, và chính những sản phẩm này cũng đang tồn tại rất nhiều khó khăn, bất ổn về chất lượng.

Cán bộ Sở NN-PTNT tham quan mô hình cà phê bền vững tại xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar.
Cán bộ Sở NN-PTNT tham quan mô hình cà phê bền vững tại xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar.

Báo động... chất lượng sản phẩm   

Không chỉ đối mặt với tình trạng mất mùa, trượt giá, các mặt hàng nông sản hiện đang sa lầy trong vấn nạn vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) khi số lượng các đơn hàng xuất khẩu bị trả lại, hủy hợp đồng ngày càng gia tăng khiến vị thế, thương hiệu của nông sản Việt nhuốm màu ảm đạm trên trường quốc tế. Tại buổi tọa đàm về phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam - Nhật Bản vào cuối tháng 1-2016, ông Nguyễn Hoàng Anh, kỹ sư sản xuất Công ty TNHH Liên kết nông dân - đối tác liên kết giữa Việt Nam và Nhật Bản trong sản xuất, tiêu thụ nông sản cho biết, Nhật Bản rất mong muốn hợp tác với các DN Việt Nam trong sản xuất cũng như tiêu thụ nông sản, nhưng thực trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách tràn lan khiến họ rất e dè, ngại hợp tác. Theo thống kê, có khoảng 60% sản lượng hồ tiêu xuất khẩu sang Nhật Bản không bảo đảm các yêu cầu về ATTP của nước sở tại, trong đó nhiều lô hàng bị trả lại và chịu mọi chế tài xử phạt. Vì vậy, DN Nhật Bản ngày càng siết chặt hoạt động giám định chất lượng với hồ tiêu nói riêng, nông sản nói chung khiến việc xuất khẩu của các DN sang thị trường này ngày càng khó khăn. Thực trạng trên không chỉ diễn ra tại Nhật Bản mà vài năm trở lại đây còn xuất hiện ở những thị trường xuất khẩu khác. Để bảo vệ nông sản và người tiêu dùng của nước mình, nhiều quốc gia đã đưa ra các rào cản kiểm định đối với nông sản Việt ngày càng khắt khe hơn. Điển hình tại Indonesia, bắt đầu từ tháng 2-2016, tất cả các sản phẩm nông sản Việt Nam xuất khẩu sang quốc gia này phải được các phòng kiểm định tại Việt Nam kiểm tra chất lượng, Bộ Nông nghiệp Indonesia chấp nhận kết quả mới được nhập khẩu.

Nông dân xã Ea Ning, huyện Cư Kuin thu hoạch tiêu.
Nông dân xã Ea Ning, huyện Cư Kuin thu hoạch tiêu.

Có một thực tế là tình trạng vi phạm vệ sinh ATTP ngày càng gia tăng trên các sản phẩm xuất khẩu, trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý các trường hợp lạm dụng, vi phạm vệ sinh ATTP trong sản xuất, chế biến, bảo quản hiện nay còn chậm do thiếu cơ sở kiểm chứng chất lượng. Ông Trần Ngọc Thanh, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản không khỏi lo lắng, muốn kiểm tra một sản phẩm cần phải thành lập đoàn, lấy mẫu, gửi đi kiểm nghiệm chất lượng sau vài tuần, thậm chí cả tháng mới có kết quả. Trong khi đó, khi hội nhập, các hàng rào thuế quan, bảo hộ cho nông sản trong nước sẽ không còn nên vị thế của các loại nông sản đều như nhau. Do đó, nông sản Đắk Lắk không bảo đảm các yêu cầu về ATTP, ổn định chất lượng, số lượng thì không chỉ tự loại mình khỏi sân chơi hội nhập mà chính chúng ta đang tự nhường sân nhà cho các DN nước ngoài.

(còn nữa)

 Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.