Nông sản hội nhập: Cần một cuộc đổi thay (Kỳ cuối)
Kỳ cuối: Cấp bách thay đổi cách thức tổ chức sản xuất
Sau 30 năm hội nhập với hàng loạt hiệp định thương mại tự do được ký kết, nông sản nước ngoài đã và đang từng bước vào Việt Nam với tầm cỡ, chất lượng sản phẩm ngày càng cao. Tuy nhiên, nhiều nông dân, DN sản xuất nông nghiệp vẫn đang loay hoay tìm lối đi cho mình trên chặng đường hội nhập đầy biến động này.
Thay đổi nhận thức từ nông dân đến doanh nghiệp
Hội nhập là tất yếu, để giúp đỡ người dân vượt qua những khó khăn trong cơ chế thị trường, Nhà nước đã có những chính sách, mô hình điểm liên kết “bốn nhà” để tạo sự kết nối, nâng cao chất lượng nông sản từ khâu sản xuất tới chế biến, tiêu thụ, nhưng vì lợi nhuận trước mắt, một số nông dân, DN đã tự dứt bỏ khỏi mô hình đó khiến liên kết ngày càng lỏng lẻo, chất lượng sản phẩm thiếu đồng bộ nên khó tìm đầu ra trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Trên thực tế, DN và nông dân là hai chủ thể được lợi mà Nhà nước và nhà khoa học hướng đến lại thường xuyên phá vỡ sợi dây liên kết, bởi bản thân họ vẫn còn chạy theo cái lợi trước mắt của mỗi niên vụ thường thiếu vốn đầu tư sản xuất dẫn đến bất đồng trong quá trình giải quyết lợi ích. Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, hội nhập nông sản là một quá trình dài với nhiều khó khăn, thách thức do có sự tác động của các tiềm lực kinh tế mạnh hơn đến từ các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại trên thế giới. Do đó, bản thân các DN cũng như nông dân cần phải thay đổi nhận thức để không đánh mất cơ hội liên kết, nâng cao vị thế nông sản của mình trong cuộc hội nhập và việc tập hợp diện tích sản xuất nhỏ lẻ trong dân theo mô hình tổ hợp tác, HTX với sự hậu thuẫn của DN đang là giải pháp được ngành nông nghiệp Đắk Lắk chú trọng. Trong đó, ngành cũng đặc biệt quan tâm, định hướng các mô hình gắn kết giữa quy hoạch vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến theo đề án tái cơ cấu ngành để từng bước gia tăng chuỗi giá trị nông sản theo hướng bền vững.
Cán bộ Phòng NN-PTNT huyện M’Đrắk tham quan mô hình trồng cỏ nuôi bò tại xã Cư Króa. |
Để làm được điều đó, việc thay đổi nhận thức từ người nông dân là chưa đủ bởi nguyên liệu tốt mà khâu vận chuyển, chế biến, bảo quản chưa đạt yêu cầu thì nông sản rất khó tìm đầu ra trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Do đó, bản thân các DN phải tự mình nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc đầu tư máy móc, nhà xưởng hiện đại, có sự nghiên cứu sâu rộng về thị trường cũng như am hiểu về các hiệp định thương mại, chính sách pháp luật của các nước mình muốn bán hàng; ngoài ra, DN cần thay đổi tư duy, đẩy mạnh liên kết dọc, liên kết ngang giữa các DN sản xuất-chế biến-xuất khẩu cùng một ngành hàng để có sự tương trợ ngay từ trong nước nhằm tận dụng nguồn nhân lực, máy móc giữa các đối tác liên kết để giảm áp lực đầu tư, tăng sức cạnh tranh trên trường quốc tế…
Phải có cơ chế để tạo đà phát triển
Trong sản xuất kinh doanh, khách hàng là thượng đế, DN nắm rõ từng đối tượng khách hàng có nghĩa đã nắm được một phần thắng trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Người tiêu dùng trong nước có thể chỉ cần bao bì, tên nhãn hiệu hoặc giá cả phải chăng là có thể bán được hàng, nhưng với người tiêu dùng quốc tế, ngoài đòi hỏi tên nhãn hiệu, bao bì sản phẩm, logo phải đăng ký và được bảo hộ thương hiệu thì họ còn quan tâm đến vấn đề nhân đạo, tính bền vững trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Xuân Lợi, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển An Thái chia sẻ, khách hàng tại các quốc gia tiên tiến rất quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc cũng như việc sử dụng sản phẩm của họ tác động như thế nào đến người nông dân, môi trường sống cũng như hệ sinh thái nơi nguồn nguyên liệu được sản xuất ra. Đặc biệt, họ không chấp nhận hành vi sản xuất hủy diệt-phá rừng, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng lao động trẻ em trong quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm. Vì vậy, nhiều đối tác nước ngoài đã đưa những nội dung này vào trong các hợp đồng mua bán hàng hóa của mình, nếu không bảo đảm các yêu cầu đó, DN Việt có thể bị cắt hợp đồng. Do đó, Nhà nước cần chú trọng đến quy hoạch và giám sát quy hoạch cây trồng vật nuôi chặt chẽ hơn để tạo nguồn nguyên liệu ổn định, bền vững, giúp DN tận dụng cơ hội của mình trong công cuộc hội nhập.
Cũng có một thực tế cho thấy, tiềm lực kinh tế cũng như sự am hiểu về luật pháp quốc tế của các DN Việt Nam hiện còn rất hạn chế nên nhiều DN xuất khẩu đã và đang đối mặt với các vụ kiện bán phá giá từ các nước nhập khẩu, điển hình thời gian gần đây là sản phẩm tôm và cá tra của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, tuy cơ quan chức năng chưa ghi nhận trường hợp DN phải đối mặt với các vụ kiện bán phá giá đối với các mặt hàng nông sản của Đắk Lắk nhưng điều này sẽ khó tránh khỏi khi cánh cửa hội nhập ngày càng mở rộng. Vì vậy, Nhà nước cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến về các hiệp định thương mại tự do, thực thi cơ chế giám sát xuất khẩu, phát triển một cơ chế cảnh báo sớm cho các DN…
Thanh Hường
[links()]
Ý kiến bạn đọc