Multimedia Đọc Báo in

Quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị Buôn Ma Thuột: Còn nhiều "khoảng trống" (Kỳ II)

17:47, 23/04/2016

Kỳ 2: Những giá trị bị lãng quên

Buôn Ma Thuột hình thành và phát triển trên vùng đất giàu bản sắc văn hóa, lại mang tính đặc thù về địa hình, không gian nên càng có điều kiện để xây dựng và phát triển thành phố mang màu sắc riêng, độc đáo. Tuy nhiên, những giá trị này vẫn chưa được khai thác đúng mức, thậm chí còn bị lãng quên…

Trước áp lực đô thị hóa

Còn nhớ, năm 2009, tại Hội trại kiến trúc sư trẻ toàn quốc lần thứ III được tổ chức tại Buôn Ma Thuột, giới kiến trúc sư đã chỉ rõ điểm nổi bật của văn hóa “xứ cà phê” này là văn hóa mẫu hệ, văn hóa lễ hội, nhà dài, cồng chiêng, sử thi … vốn không tồn tại độc lập mà luôn được dung dưỡng trong một môi trường văn hóa cộng đồng người bản địa. Cho nên việc bảo tồn, phát huy, khai thác các yếu tố văn hóa vốn có lồng ghép trong một tổng thể đô thị phát triển sẽ là điểm nhấn bản sắc quan trọng của thành phố. Trong định hướng phát triển không gian của thành phố Buôn Ma Thuột với vai trò thành phố trung tâm vùng Tây Nguyên, bên cạnh việc gìn giữ, bảo tồn những không gian đặc trưng của đô thị thì việc lồng ghép các không gian văn hóa lễ hội sẽ có ý nghĩa kết nối và tôn vinh bản sắc của đô thị Buôn Ma Thuột. Nhưng quá trình đô thị hóa diễn ra một cách nhanh chóng, đến mức có những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đã vĩnh viễn mất đi như kiến trúc cổ thành phố, những công trình kiến trúc thời Pháp lần lượt bị phá bỏ, còn ở các buôn làng trong phố, vì không có gỗ để tu sửa nên nhà dài gần như đã bị bê tông hóa. Khi nhát búa vang lên trên công trình kiến trúc Pháp cổ là Nhà Đèn cũ (nay là Công ty Điện lực Đắk Lắk), giới kiến trúc sư ai cũng lặng tim! Tuy công trình đó không có giá trị nhiều về mặt kiến trúc nhưng nó có ý nghĩa về mặt thời gian, ký ức. Chính vì vậy, trước đó họ đã tổ chức những cuộc lấy ý kiến với mong muốn mọi người chung tay níu giữ chút ký ức của Buôn Ma Thuột nhưng bất thành. Những buôn cổ của thành phố như: Păn Lăm, Kô Siêr, Alê A... đã gần như đánh mất dáng dấp buôn làng cùng với những giá trị văn hóa phi vật thể. Nếp nhà dài còn lại thưa thớt, các lễ nghi truyền thống cũng dần rời xa hẳn đời sống cộng đồng. Trong 33 buôn của thành phố, không còn buôn nào tự thân tổ chức được những lễ thức gắn với đời sống cộng đồng của mình nữa. Sự biến thể, mất đi này có lẽ để lại nhiều day dứt, nuối tiếc cho những ai luôn đau đáu với những giá trị văn hóa truyền thống Tây Nguyên. Rất nhiều khách du lịch khi đến với Buôn Ma Thuột đều hỏi về làng của Ama Thuột, bởi ông chính là người có công khai sinh ra đô thị này nhưng đến nay lại không có bất cứ hiện vật nào để biết rằng con người đi vào huyền thoại ấy đã từng tồn tại. Đây có lẽ cũng là một sự “lãng quên” đáng tiếc và mất mát ấy không có gì bù đắp được.

Hành lang suối Ea Tam đoạn chảy qua đường Tuệ Tĩnh bị người dân kè lấn.
Hành lang suối Ea Tam đoạn chảy qua đường Tuệ Tĩnh bị người dân kè lấn.

Về đâu những dòng suối Buôn Ma Thuột?       

TP. Buôn Ma Thuột vốn được bao bọc bởi rừng xanh và ôm trong lòng là những dòng suối. Chính rừng xanh, suối và bến nước đã tạo những nét đặc trưng riêng không phải đô thị nào cũng có được. Nhưng hiện nay, nét đặc trưng đó dần biến mất bởi chính tác động của con người. Mặc dù cho đến thời điểm hiện tại chưa có con số thống kê cụ thể có bao nhiều dòng suối chảy trong lòng thành phố, nhưng khi nhìn trên bản đồ thì Buôn Ma Thuột có mạng lưới suối bao bọc khá dày đặc. Và những cái tên: Suối Xanh, Ea Nuôl, Ea Tam… đã trở nên gần gũi, thân thuộc và là niềm tự hào của người dân phố núi. Do đặc thù địa hình tạo nên suối là đường hợp thủy của các quả đồi, nên "hình thái của suối" thường không biến động nhiều, nhưng dưới tác động của con người, hiện nay suối đã bị kè lấn, nắn dòng, cống hộp, đau lòng hơn là bị biến thành nơi để xả rác. Có con suối gần như bị biến dạng hoàn toàn và gần như không thể nhận biết đó là dòng chảy của suối hay cống nước xả thải. Tuy có hệ thống suối phong phú cùng với nguồn tài nguyên nước dồi dào nhưng những giá trị này bấy lâu nay thiếu sự quan tâm đúng mức của chính quyền địa phương và gần như rơi vào quên lãng. Chính sự không quan tâm này mà các công trình kiến trúc đô thị gần như tất cả đều quay lưng ra suối. Suối ngày càng chết dần bởi nước, rác thải, hành vi lấn chiếm dòng chảy, xây dựng nhà cửa, dự án…, đó là suối Đốc Học bị cống hóa, suối Xanh, Ea Tam… bị lấn chiếm, nắn dòng khiến dòng chảy bị tắc nghẽn. Phải chăng đây cũng là một trong những lý do khiến cho thành phố chỉ sau vài giờ mưa, nhiều đoạn phố nhanh chóng chìm trong biển nước. Kiến trúc sư Nguyễn Thanh Hà cho hay, bất kỳ một đô thị nào, việc chọn lựa và phát triển luôn phải hướng đến các giá trị tương thích, phù hợp với đặc thù địa lý, nhân văn và lịch sử - văn hóa của từng vùng đất để tạo ra nét đặc trưng. Buôn Ma Thuột có nhiều lợi thế nhưng lại thiếu sự quan tâm đúng mức để khai thác được tiềm năng vốn có này. Việc đô thị quay lưng với suối đã vô tình đánh mất báu vật thiên nhiên ban tặng. Bản thân ông cũng mong muốn chính quyền địa phương dành mối quan tâm đầy đủ, đúng mức và cần có những giải pháp cụ thể để cứu những dòng suối này khi chưa quá muộn.

(Còn nữa)

Lê Hương

[links()]

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.