Quy hoạch và xây dựng đô thị Buôn Ma Thuột: Còn nhiều "khoảng trống" (Kỳ cuối)
Kỳ cuối: Những kỳ vọng từ phía chính quyền
Chung tay xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị hiện đại, văn minh nhưng vẫn gìn giữ được nét văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc bản địa, trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên vào năm 2025 là mục tiêu mà chính quyền thành phố đang vươn tới. Đạt được mục tiêu này không mấy dễ dàng, vì vậy người dân đặt nhiều kỳ vọng vào chính quyền thành phố bằng những chiến lược, quyết tâm cụ thể.
Từ đồ án điều chỉnh quy hoạch
Đồ án điều chỉnh chung TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 249/QĐ-TTg ngày 13-2-2014. Đây là đồ án có ý nghĩa quan trọng mang tính định hướng cho những quyết sách của chính quyền thành phố trong việc xây dựng và phát triển đô thị Buôn Ma Thuột. Đồ án cũng xác định rõ 3 chiến lược để xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên tầm nhìn đến năm 2025 là: Phát triển Buôn Ma Thuột trở thành một đô thị quy tụ các đầu mối giao thông và một số công trình hạ tầng xã hội nhằm đảm nhận vai trò trung tâm kinh tế - xã hội cấp vùng; quy hoạch thành phố phát triển bền vững gắn với điều kiện tự nhiên và vùng kinh tế sinh thái rừng và cây công nghiệp, nhằm hình thành một thành phố cao nguyên xanh; quy hoạch và chỉnh trang thành phố với mục tiêu tạo một không gian đô thị mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Tây Nguyên. Ba chiến lược này được xem là khá toàn diện, phù hợp với những tiêu chí mà phố núi đang hướng đến, từ đó giúp các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương hướng dẫn và giám sát việc chỉnh trang, quy hoạch, phát triển đô thị Buôn Ma Thuột một cách hữu hiệu để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra. Ông Trương Công Thái, Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột cho biết, trên cơ sở đồ án quy hoạch, hướng tổ chức không gian của thành phố sẽ dựa trên 3 yếu tố đó là điều kiện tự nhiên (địa hình, đồi núi, sông suối...), hệ thống rừng và hệ thống cây công nghiệp đặc trưng (cà phê). Thành phố sẽ không phát triển lan tỏa như trước đây mà phát triển tập trung hơn, gọn hơn để khai thác hiệu quả đất đai. Các quỹ đất bao quanh khu vực nội thị sẽ ưu tiên tái sinh lại các khu rừng, nâng cấp lại các vùng chuyên canh cà phê với phương thức chuyên canh công nghệ cao tạo thành vành đai xanh rừng và cây công nghiệp. Bên cạnh đó, khai thác tối đa các yếu tố địa hình, mặt nước, các dòng suối để tạo ra những nét đặc trưng riêng của thành phố, cũng chính là đưa thành phố trở về với các con suối lịch sử - nơi khởi nguồn và hình thành nên Buôn Ma Thuột. Các giải pháp cũng được đặt ra là: xác định chính xác chế độ thủy văn và hiện trạng sử dụng đất dọc các con suối để từ đó đưa ra các biện pháp khả thi cải tạo dòng chảy, tạo hồ, cảnh quan dọc suối nhằm làm sống lại các dòng chảy Ea Tam, Ea Nao, Đốc Học... - là các con suối lịch sử đã tạo ra cộng đồng dân cư Buôn Ma Thuột và hình ảnh ban đầu của đô thị Buôn Ma Thuột từ đầu thế kỷ 20; khai thác kiểm soát cảnh quan hai bên bờ suối và cải tạo môi trường nước. Song song đó là đưa cà phê Buôn Ma Thuột từ một sản phẩm thương mại trở thành một nét văn hóa đặc trưng - điểm đến của du lịch trong nước và quốc tế. Đồng thời, có giải pháp bảo vệ, gìn giữ bản sắc về công trình kiến trúc gồm: các công trình kiến trúc Tây Nguyên gốc, các công trình kiến trúc thời Pháp thuộc chịu ảnh hưởng của kiến trúc Tây Nguyên, các không gian làng bản và bản sắc về văn hóa phi vật thể… hiện vẫn còn lưu giữ tại một số buôn làng ở nội thị.
Một góc thành phố Buôn Ma Thuột nhìn từ Khách sạn Biệt Điện. |
Khơi tiềm năng bằng những quyết sách phù hợp
Theo UBND thành phố, hệ thống các suối Ea Nao, Ea Tam, Ea Nuôl, Đốc Học, thuộc thượng nguồn lưu vực sông Sêrêpôk chủ yếu đang tiếp nhận nước thoát của thành phố. Suối lớn nhất qua khu vực nội thị là suối Ea Tam (phía Nam), suối Ea Nuôl (phía Bắc) và suối Đốc Học (khu vực trung tâm), được xác định là trục tiêu nước chính cho khu vực nội thành. Do vậy việc quản lý, giữ nước cho các dòng chảy, tạo hồ cảnh quan kết hợp giữ nước phục vụ tưới nông nghiệp là bức thiết hiện nay. Chính vì vậy, các giải pháp cũng đã được chính quyền thành phố đề ra: cắm mốc xác định hành lang suối để quản lý; tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi lấn chiếm, san lấp, xây dựng công trình, nhà ở, kè bao ven suối, hồ; chú trọng đến công tác quy hoạch, cải tạo các dòng suối trong đô thị để tạo cảnh quan, không gian xanh dọc các suối; tiến hành xúc tiến kêu gọi đầu tư…
Buôn Ma Thuột là đô thị có vị trí trung tâm Tây Nguyên kết nối dễ dàng với các điểm đến quan trọng trong vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, nhưng lợi thế này đến nay, vẫn chưa khai thác triệt để. Hiện nay, du khách đến với Buôn Ma Thuột chủ yếu tại các điểm như: Bảo tàng tỉnh, Nhà đày Buôn Ma Thuột, Chùa Sắc Tứ Khải Đoan, Đình Lạc Giao, Làng cà phê Trung Nguyên, Khu du lịch cộng đồng Kô Tam, Buôn Akô Dhông... Thực tế này cho thấy, mặc dù Buôn Ma Thuột giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng chưa khai thác được các điểm đến, đây cũng là một “khoảng trống” đáng tiếc. Ông Trương Công Thái cũng cho hay, nhận thấy được hạn chế, tồn tại này, năm 2014, UBND thành phố đã tổ chức Hội thảo giải pháp phát triển du lịch Buôn Ma Thuột nhằm tìm kiếm các giải pháp phát triển cho du lịch Buôn Ma Thuột. Hiện nay, thành phố cũng đang tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án phát triển du lịch Buôn Ma Thuột giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trình HĐND tỉnh thông qua. Bên cạnh đó, thành phố đang tập trung một số giải pháp cho phát triển du lịch, đặc biệt là xây dựng, phát triển các điểm đến về du lịch như: Khu du lịch Ea Kao (hồ Ea Kao – Lâm viên Ea Kao – Sân golf Ea Kao); Khu du lịch sinh thái, văn hóa, cà phê Suối Xanh; Điểm du lịch hồ Kô Tam; Điểm du lịch và kết hợp nghỉ dưỡng rừng Ea Kmát; Điểm du lịch hồ Ea Tam; Điểm du lịch hồ Đồi Thông (Cư Dluê); Khu du lịch nghỉ dưỡng hồ Cuôr Kắp… Đồng thời, thực hiện xã hội hóa sâu rộng để phát triển du lịch, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, UBND thành phố còn tập trung các giải pháp, chú trọng phát triển kinh tế các buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn gắn với phát triển du lịch, điển hình là các buôn: Buôn Tuôr - xã Hòa Phú, buôn Krông B - xã Ea Tu, buôn Akô Dhông - phường Tân Lợi… để nâng cao đời sống người dân, gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.
Lê Hương
[links()]
Ý kiến bạn đọc