Tiếp sức cho nông dân làm giàu
Quỹ hỗ trợ nông dân là nguồn vốn ưu đãi quan trọng không chỉ tạo điều kiện cho hội viên đầu tư phát triển sản xuất mà còn phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội Nông dân.
Thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân”, nguồn vốn của Quỹ hằng năm sẽ tập trung cho nông dân vay phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua việc xây dựng các mô hình, nhóm hộ, tổ hợp tác và dự án. Với phương thức mới này, Quỹ đã kết nối các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, sản xuất theo hướng hàng hóa, giúp nông dân có cơ hội học tập, nâng cao kiến thức, khoa học kỹ thuật.
Mô hình chăn nuôi heo của gia đình chị Trần Thị Nga. |
Năm 2013, Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh đã đầu tư 500 triệu đồng cho 20 hộ gia đình hội viên nông dân của tổ hợp tác chăn nuôi, nay là Hợp tác xã chăn nuôi thủy sản (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột). Là một trong số hộ được vay 25 triệu đồng từ Quỹ, cùng với 30 triệu đồng tích cóp được, gia đình chị Trần Thị Nga (Chi hội Nông dân thôn 10) đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo theo mô hình khép kín kết hợp xây hầm biogas xử lý chất thải. Để bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn gia súc, chị tích cực tham gia các buổi hội thảo, tập huấn để học kỹ thuật chế biến, ủ chua các loại thức ăn từ các phụ phẩm trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, chị còn tận dụng diện tích đất vườn để đầu tư nuôi gà, vịt, ngan, chim bồ câu. Với quy mô trang trại như vậy, trung bình mỗi năm trừ chi phí, gia đình chị thu lãi hơn 200 triệu đồng. Theo chia sẻ của chị Nga thì trước đây, chị chăn nuôi heo chỉ để tận thu các phụ phẩm từ nông nghiệp mà không chú ý đến việc đầu tư xây dựng chuồng trại, tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi nên cho hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi tham gia tổ hợp tác, có thêm vốn lại được hướng dẫn kỹ thuật chị mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi heo sinh sản và heo thịt để phát triển kinh tế.
19 hộ hội viên nông dân của thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk) tham gia dự án cải tạo, phục hồi vườn cà phê cũng được vay từ 20 - 25 triệu đồng/hộ từ Quỹ hỗ trợ nông dân. Có 25 triệu đồng vay từ Quỹ và được tham dự các lớp hội thảo, tập huấn của Hội Nông dân, gia đình ông Nguyễn Viết Quý (Chi hội Nông dân tổ dân phố 1) quyết định thay mới diện tích cà phê già cỗi, thường xuyên bị bệnh. “Qua gần 3 năm chăm sóc, đến nay cà phê mới trồng đã bắt đầu cho thu bói. So với giống cà phê trước đây, giống cà phê ghép này có nhiều ưu điểm vượt trội, cây ít bị sâu bệnh, tán nhiều, cho năng suất cao hơn”, ông Quý chia sẻ. Được biết, để phát triển cà phê bền vững, thay thế dần diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp, Hội Nông dân thị trấn thường xuyên phối hợp với các ban ngành tổ chức hội thảo về phục hồi, cải tạo và giới thiệu các giống cà phê mới, cho năng suất, chất lượng cao như TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9. Ông Nguyễn Cao Trường, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn cho biết: “Đa số nông dân trên địa bàn đều có nguồn thu chính từ cây cà phê. Tuy nhiên hiện có gần một nửa số diện tích cà phê được trồng cách đây trên 10 năm nên đã già cỗi, cần được phục hồi vì năng suất và chất lượng đều giảm rõ rệt. Sau khi tiếp nhận 460 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội đã triển khai thực hiện dự án. Sau 3 năm, hầu hết các hộ dân tham gia đều tái canh cà phê có hiệu quả”.
Có thể thấy, việc hỗ trợ cho nông dân vay vốn sản xuất thông qua Quỹ hỗ trợ nông dân đã phát huy hiệu quả thiết thực. Từ năm 2010 đến nay, Quỹ đã hỗ trợ cho 3.768 lượt hộ hội viên nông dân vay thông qua 303 dự án với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng, trong đó trồng trọt chiếm gần 21%, chăn nuôi trên 75%. Tuy nguồn vốn triển khai cho vay chưa cao, nhưng nó thực sự có ý nghĩa với các mô hình, dự án vừa và nhỏ, đặc biệt đã giúp hội viên nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế, khai thác thế mạnh, tiềm năng của từng vùng để tạo ra các loại nông sản hàng hóa đạt chất lượng cao.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc