Chủ động chuyển đổi cây trồng chống hạn
Để ứng phó với tình hình hạn hán gay gắt của mùa khô, ngay từ đầu vụ đông xuân 2015-2016, nhiều địa phương trong tỉnh đã mạnh dạn, chủ động chuyển cơ cấu đổi cây trồng từ những chân ruộng thiếu nước tưới sang các loại cây hoa màu cạn đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Vụ đông xuân 2015- 2016, huyện Krông Ana được đánh giá là một trong những địa phương làm tốt công tác chuyển đổi cây trồng từ đất lúa một vụ sang hoa màu… Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho biết, người dân đã chuyển đổi được trên 700 ha đất ở khu vực chân ruộng cao sang các loại cây trồng cạn như khoai lang, ngô, đậu… góp phần tiết kiệm đáng kể lượng nước tưới. Riêng ở xã Bình Hòa, chính quyền xã đã vận động bà con nông dân trồng thêm được 60 ha ngô lai, đem lại hiệu quả kinh tế bất ngờ. Theo Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Lê Như Diệu, ngô thường được xuống giống trong mùa mưa, nhưng với kết quả của việc chuyển đổi cây trồng từ vụ đông xuân vừa qua cho thấy loại cây này cũng phát triển khá tốt ở mùa khô. Trồng ngô chỉ cần giữ được độ ẩm cho đất để cây phát triển, không phải tưới đẫm, ngâm rễ như lúa nên tiết kiệm được đáng kể nguồn nước mà năng suất cây trồng vẫn đạt khá từ 7,5-8 tấn ngô hạt/ha. Với giá bán trên thị trường hiện nay là 6.000 đồng/kg thì mỗi héc-ta bà con nông dân có thể lãi 40 triệu đồng, cao hơn trồng lúa từ 10-15 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, xã vẫn duy trì ổn định 1.245 ha lúa nước với năng suất bình quân 7-7,5 tấn/ha, sản lượng giữ ổn định so với cùng kỳ những năm trước là trên 8.900 tấn.
Tại xã Buôn Tría (huyện Lắk), ông Phạm Văn Thuần, Chủ tịch UBND xã cho hay, vụ đông xuân vừa qua, địa phương đã vận động bà con chuyển đổi được 76 ha đất lúa ở khu vực thiếu nước tưới sang trồng khoai lang. Nếu mỗi héc-ta lúa bà con phải sử dụng ít nhất khoảng 10.000 lít nước/vụ, thì với khoai lang chỉ cần khoảng 3.000 lít/ha/vụ, năng suất đạt từ 20-25 tấn/ha, thời gian sinh trưởng từ khi trồng đến lúc thu hoạch khoảng 3 tháng, không làm ảnh hưởng đến lịch gieo trồng lúa ở vụ kế tiếp. Với giá bán hiện nay tư thương mua tận ruộng là 300 triệu đồng/ha, trừ chi phí sản xuất bà con cũng lãi từ 260 triệu đồng/ha. Đây được xem là loại cây trồng siêu lợi nhuận, cao gấp nhiều lần so với việc trồng lúa.
Người dân buôn Triết, xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana) phấn khởi vì khoai lang trúng mùa, được giá. |
Đối với địa bàn thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar), để không bị lãng phí đất bỏ không trong mùa khô, bà con nơi đây đã chuyển sang trồng rau xanh. Đơn cử như mô hình chuyển đổi 2,5 sào đất lúa cạnh nhà sang trồng rau của bà Nguyễn Thị Lương ở thôn Tân Tiến. Để hạn chế bốc hơi nước do thời tiết nắng hạn, bà đã dùng bạt lưới để che chắn, sử dụng nước tưới tiết kiệm, phù hợp nên rau vẫn phát triển tốt, mỗi tháng bà thu lãi bình quân 3-4 triệu đồng.
Trước diễn biến bất thường của thời tiết như hiện nay, việc chủ động chuyển đổi cây trồng từ đất lúa một vụ quả sang cây hoa màu đã giúp bà con nông dân tăng thêm thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích và giải quyết được bài toán thiếu nước tưới trong sản xuất. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là những giải pháp tạm thời, chưa thực sự bền vững bởi phần lớn bà con vẫn làm theo kiểu tự phát, chưa có sự liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nên giá cả phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường, năm được, năm mất. Để có giải pháp hữu hiệu mang tính lâu bền cho “bài toán” này, theo ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, các ngành chức năng địa phương cần xác định rõ vùng nào trồng cây gì để vừa có thể tăng khả năng chống chịu với hạn hán, vừa tránh tình trạng trồng ồ ạt một vài loại cây trồng, dễ bị rớt giá khi bán ra thị trường. Đồng thời, phải quản lý chặt chẽ nguồn nước, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ tình hình hạn hán, nguy cơ thiếu nước, từ đó nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Đặc biệt phải lập phương án chống hạn cụ thể, khả thi cho từng vùng, từng công trình để sẵn sàng ứng phó khi hạn hán xảy ra. Về lâu dài, Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh có giải pháp đầu tư hiệu quả để xây dựng, tu sửa, nâng cấp các công trình thủy lợi, nhằm ổn định nguồn nước, quy hoạch vùng sản xuất hiệu quả, mang tính đặc trưng, đặc sản của vùng, hình thành nên các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, để có đầu ra cao và ổn định.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc