Multimedia Đọc Báo in

Có một chợ… đồ sắt cũ ở Buôn Ma Thuột…

11:24, 26/05/2016

TP. Buôn Ma Thuột lâu nay vẫn duy trì một chợ chuyên kinh doanh hàng sắt, ở đây có những món đồ cũ, xám xịt mà người mua khó có thể tìm thấy được ở bất cứ một cửa hàng khang trang nào.

Theo lời những người bán hàng lâu năm nhất ở khu chợ, chợ đồ sắt cũ có mặt ở Buôn Ma Thuột từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ban đầu chỉ có khoảng 10 hộ chuyên buôn bán đồ sắt đã qua sử dụng trên đường Y Jut, sau đó dời về chợ tạm trên đường Phan Đình Giót và mới đây nhất chợ chuyển về địa chỉ mới gần chợ Tân An.

Chợ sắt hiện giờ có trên 30 hộ kinh doanh, gian hàng nào cũng trưng bày la liệt các loại bu lon, ốc vít, móc xích, phần lớn đều là đồ cũ, đen xịt và quày nào cũng có sẵn máy cắt sắt, máy khoan để cắt đi đoạn xích, gia công lại chiếc đinh vít cho khách khi cần. Chính vì cồng kềnh và đặc thù của đồ sắt cũ (phải khoan, cắt, hàn xì tại chỗ) mà việc kinh doanh mặt hàng này không thể nhập thành một khu riêng biệt khi chợ Buôn Ma Thuột mới được xây dựng.

Ở chợ đồ sắt cũ hầu như chẳng thiếu thứ gì; đây được coi là nơi tập kết của các thiết bị đặc dụng trong ngành cơ khí, nào là tăng đơ, bạc đạn, mỏ lếth, kìm diết…, từ vật nhỏ nhất chỉ vài chục ngàn đồng như chiếc ốc vít, vòng bi, lò xo, xà beng đến món cả chục triệu đồng như Etô, nhíp xe… đều được bày bán. Hơn 10 năm kinh doanh hàng sắt, chị Vũ Thị Xuân có thể đọc vanh vách từng món hàng một, chị nói vui, chợ sắt cũ này toàn bán những thứ đồ lặt vặt nhưng cũng có đến hàng trăm chủng loại, phải mất cả năm mới có thể nhớ hết từng loại.

Chợ đã trở thành nơi lui tới thường xuyên của giới cơ khí, như để tìm mua phụ kiện cho một chiếc xe vận tải đời cũ hay bất cứ một thiết bị, máy móc nào bị hư hỏng, nơi đầu tiên người ta tìm đến là chợ sắt cũ trên đường Phan Đình Giót, nay thì đến chợ sắt Tân An. Việc chọn mua những món  đồ cũ này lại vô cùng cần thiết với họ, bởi không thể tìm mua được ở bất cứ đâu khi cần, hoặc không phải mất quá nhiều thời gian, công sức đi “lùng sục” tận các tỉnh ngoài. Theo nhiều tiểu thương ở đây, không như việc kinh doanh các mặt hàng khác là chỉ cần nhập hàng sỉ về bán, với những món hàng cũ này phải cất công sưu tầm tại nhiều nơi mới có về hàng phục vụ khách. Vì thế, không khó để tìm thấy ở khu chợ này những chiếc búa nhổ đinh, thùng đạn Mỹ, Etô cũ kỹ có tuổi đời hàng chục năm do Liên Xô hay các nước Đông Âu sản xuất. Để “sở hữu” những món hàng cũ và độc như thế, trung bình mỗi chủ hàng ở đây đều có từ 3-5 nhân viên chuyên đi “săn” hàng cũ từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước gom về.

Khách chọn mua đồ cũ tại chợ sắt Tân An.
Khách chọn mua đồ cũ tại chợ sắt Tân An.

Tuy là đồ cũ nhưng giá không hề rẻ vì là hàng hiếm. Chẳng hạn, cùng là dây xích (loại 10 ly) nhưng hàng cũ của Liên Xô hoặc Anh thì có giá 120.000 đồng/m, trong khi đó, xích của Trung Quốc chỉ 60.000-70.000 đồng. Dù vậy, nhiều người vẫn chấp nhận mua với giá cao để sử dụng cho máy móc, thiết bị của mình. Anh Nguyễn Văn Hoàng, một trong những người kinh doanh lâu năm nhất ở đây cho hay, gian hàng của anh có những món hiếm hoi như chiếc bu lon của Mỹ, nhíp xe của Liên Xô, nhiều khi có tìm đỏ mắt ở những khu chợ khác cũng không có. Với những loại này, trên thị thường, hàng mới của Trung Quốc thì đầy rẫy, giá rẻ hơn nhưng người ta chỉ chuộng hàng Liên Xô, Anh, Mỹ (dù là hàng cũ) nhưng chúng vẫn bền hơn gấp nhiều lần.

Kinh doanh đồ cũ nên tiểu thương ở chợ sắt khi kiếm được nguồn hàng về cũng phải “mông má” lại rồi mới bán cho khách, nên họ không chỉ là người bán mà còn là thợ cơ khí khá lành nghề thì mới có thể gia cố những món đồ cũ thành vật có giá trị sử dụng. Theo anh Hoàng – một tiểu thương trong chợ, chỉ có số ít hàng còn nguyên vẹn chỉ cần lau rửa sạch, tra dầu mỡ là đã có thể mang ra bán, còn phần lớn phải “tút” lại. Chẳng hạn, với chiếc Etô của Nga thu gom về đã bị mất đi một vài chi tiết nên anh phải gia công lại theo yêu cầu của khách hàng. Cũng chính vì vậy, những người kinh doanh đồ sắt cũ đôi khi trúng đậm vì kiếm được những món hàng độc, lạ nhưng cũng có khi lỗ vốn chỉ vì một vài món hàng sau khi “mông má” xong lại thành đồ… bỏ đi!

Chợ sắt, tuy bày bán đồ cũ nhưng vẫn có chế độ “bảo hành” thỏa đáng cho người mua, tức khách được mang về dùng thử, nếu thấy không phù hợp thì có thể đổi, trả. Tiêu chí mà các tiểu thương ở đây đặt ra là bán đồ cũ nhưng khách phải sử dụng được, có như thế thì việc kinh doanh mới bảo đảm lâu dài. 

 Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.