Để người dân tiếp cận chính sách tín dụng phát triển cà phê
Những năm qua, Nhà nước đã ban hành các chính sách tín dụng nhằm thúc đẩy phát triển bền vững ngành cà phê, tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn từ các chính sách này rất khó khăn.
Thiết thực nhưng khó tiếp cận
Ngay sau khi Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp được ban hành, các Bộ NN-PTNT, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức hội nghị quán triệt, đồng thời ban hành các thông tư, hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, đến nay doanh số cho vay tại tỉnh Đắk Lắk mới chỉ đạt gần 8,5 tỷ đồng với 25 khách hàng. Bên cạnh đó, Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn cũng quy định nhiều chính sách ưu đãi như các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã (HTX), chủ trang trại được vay vốn không cần tài sản bảo đảm để phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tại các tổ chức tín dụng, với số tiền tối đa 100 triệu, 300 triệu và 1 tỷ đồng. Riêng với các gia đình sản xuất cây công nghiệp lâu năm thì mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm lên đến 200 triệu đồng. Tuy nhiên việc tiếp cận nguồn vốn này đang gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Hắc Hiệp, đại diện nông dân tỉnh Đắk Lắk (Ban điều phối ngành hàng cà phê Việt Nam) cho biết, chính sách thiết thực, nhu cầu vay vốn rất lớn nhưng khi tiếp cận, các ngân hàng lại đòi hỏi người vay phải có tài sản thế chấp mới được vay vốn. Mặt khác, dù muốn tái canh cũng cần phải bảo đảm sinh kế cho cả gia đình nên đa số người dân thực hiện tái canh theo kiểu cuốn chiếu lại không thể tiếp cận được nguồn vốn cần thiết nên đành chấp nhận vay ngoài trả lãi suất cao hơn. Với các hộ nhận khoán, việc tiếp cận càng khó hơn khi đất sản xuất được giao khoán cho người dân nhưng công ty vẫn còn giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên họ không có tài sản thế chấp để vay vốn.
Một vườn cà phê xen canh sầu riêng ở xã Ea Yông, huyện Krông Pắc. |
Không chỉ hộ dân đơn lẻ mà các HTX, DN cũng rất khó tiếp cận các chính sách tín dụng này khi thủ tục vay vốn quá rườm rà… Chưa kể, khi xác định giá trị vườn cà phê để thế chấp vay vốn thì chỉ được tính theo giá đất nông nghiệp do UBND tỉnh công bố hằng năm (thấp hơn thực tế rất nhiều) nên khoản vay chẳng được bao nhiêu.
Mong được giảm lãi suất, tăng gói vay tái canh
Ngành cà phê hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi tốc độ già hóa vườn cây ngày càng nhanh, năng suất, sản lượng ngày càng giảm, chất lượng thiếu đồng bộ rất khó cạnh tranh khi hội nhập. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận các chính sách tín dụng, đầu tháng 5-2016, tại TP. Buôn Ma Thuột, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển cà phê trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, cần phải giảm lãi suất vay vốn xuống còn 6%/năm; gia tăng gói vay từ 150 triệu đồng/ha lên 200 triệu đồng/ha tương ứng với kinh phí tái canh tăng lên do trượt giá thời gian qua; Nhà nước cần đưa ra gói tín dụng riêng cho ngành cà phê tương ứng như ngành thủy sản, lúa gạo, bởi cà phê cũng là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu cả nước cũng như góp phần nâng cao đời sống của người dân Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Về chính sách vay vốn tái canh, ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, Cục đang nghiên cứu đưa ra quy trình tái canh mới, bám sát thực tiễn để người dân dễ dàng tiếp cận gói vay. Đồng thời, các địa phương cũng cần phối hợp với ngân hàng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình vay vốn; chuyển đổi những diện tích cà phê ngoài quy hoạch, trên vùng đất dốc, không phù hợp sang trồng các loại cây khác; tăng cường công tác quản lý giống, phân bón, hướng dẫn chuyển giao công nghệ, kỹ thuật nhằm tận dụng cơ hội tái canh để nâng cao chất lượng cà phê…
Đắk Lắk hiện có hơn 203.000 ha cà phê, trong đó diện tích có nhu cầu tái canh đến năm 2020 trên 32.000 ha; riêng đến thời điểm này, toàn tỉnh đã tái canh được 13.470 ha. Việc tiếp cận các gói tín dụng cho tái canh hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn, trong khi đó mức độ thiệt hại do hạn hán đối với cây cà phê ngày càng tăng nên địa phương đang khuyến cáo bà con chuyển đổi diện tích không phù hợp, ngoài quy hoạch sang trồng các loại cây khác; ưu tiên sử dụng các giống cà phê mới trong tái canh cũng như phối hợp với Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, các công ty để hỗ trợ cây giống tái canh cho bà con nông dân.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc