Điệp khúc trồng – chặt vẫn chưa có hồi kết…
Trong một chuyến đi cơ sở về huyện Krông Năng, nghe người quản lý ngành nông nghiệp của huyện than thở mà thấy bất an.
Đó là chuyện của mấy năm về trước, khi cao su được giá, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện đã bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng mà phá bỏ cà phê, chạy vạy khắp nơi vay vốn mua giống cao su về trồng. Sau gần 8 năm đầu tư, tốn biết bao công sức, tiền của, cao su bắt đầu cho thu hoạch thì cũng là lúc mủ rớt giá. Không ít hộ dân đã chặt ngang vườn cao su đã bước vào thời kỳ kinh doanh để trồng hồ tiêu, mặc cho UBND huyện khuyến cáo người dân tuyệt đối không được trồng xen hồ tiêu vào vườn cao su hoặc lấy cao su làm trụ tiêu vì như vậy cây tiêu rất dễ bị nhiễm bệnh. Có lẽ “thấm” nhất về sự tổn thất này là huyện Ea Súp, một trong những địa phương có diện tích rừng nhiều nhất ở Đắk Lắk. Đó là bài học về chuyển đổi rừng, đất lâm nghiệp để trồng hơn 16.000 ha điều ở các xã Ea R’vê, Ea Bung, Ya Tờ Mốt, Ea H’mơ, Cư M’lan, Ea Lê... Khi đến giai đoạn kinh doanh cho thu hoạch, điều chỉ toàn hoa với cành lá sum suê, không mang lại hiệu quả kinh tế, một số đơn vị quân đội làm kinh tế trên địa bàn đã lập dự án, xin các cấp có thẩm quyền chặt bỏ khoảng 50% diện tích cây điều quay về trồng lại rừng kinh tế và các loại cây công nghiệp dài ngày khác. Chưa nguội bài học về điều, thì cây cao su ngay sau đó cũng rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Hàng nghìn ha rừng ở 16 tiểu khu chuyển đổi sang trồng mới 8.689 ha cao su, nhưng điều kiện khí hậu khắc nghiệt, tầng đất canh tác mỏng, dễ ngập úng trong mùa mưa, lượng bốc thoát hơi nước và có nhiệt độ cao trong các tháng mùa khô nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sinh trưởng, phát triển của nhiều loại cây trồng, nhất là cây cao su, cây điều. Chưa kể đến hàng trăm ha cao su được trồng giờ đành bỏ không dám cạo vì giá xuống thấp kỷ lục, có người đã chặt bỏ để trồng hồ tiêu... Theo quy hoạch, đến năm 2020, diện tích hồ tiêu của tỉnh chỉ phát triển khoảng 15.000 ha, nhưng đến nay đã tăng lên đến 16.000ha... Nếu hồ tiêu rơi vào khủng hoảng thừa, hạ giá, thì tổn thất nặng nề vẫn chính là người nông dân.
Câu chuyện nông sản, sản phẩm cây công nghiệp của Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng rơi vào điệp khúc “trồng - chặt” xem ra vẫn chưa có những giải pháp căn cơ, hiệu quả dù được chính quyền, ngành chức năng các cấp mổ xẻ từ nhiều năm nay.
Tuệ Anh
Ý kiến bạn đọc