Multimedia Đọc Báo in

Dự án Flitch: Nhân rộng những mô hình phát triển rừng

11:15, 26/05/2016

Triển khai thực hiện ở 4 huyện: Krông Bông, Lắk, Ea Kar và M’Đrắk từ năm 2007, Dự án Phát triển lâm nghiệp cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên (Flitch) đã tạo nhiều cơ hội để phát triển rừng và nghề rừng, lâm nghiệp cộng đồng.

Là một trong những địa phương được hưởng lợi từ dự án, từ năm 2009-2014, huyện M’Đrắk đã trồng 1.788 ha rừng, trong đó 944 ha do các hộ dân trồng, số còn lại 844 ha của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk. Phần lớn diện tích ở đây là đất đồi, ven rừng đã bị hoang hóa, bạc màu không thể sử dụng sản xuất nông nghiệp được dù trước đó người dân trồng lúa rẫy và các loại hoa màu khác nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế.  Theo ông Y Khơn Byă (buôn M’Dlớk, xã Ea Trang), được sự hỗ trợ của Dự án Flitch, gia đình ông đã trồng 1,5 ha rừng, trong đó có 0,9 ha đã cho khai thác vào năm 2013, thu được khoảng 80 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, nộp quỹ phát triển xã (CDF), gia đình ông còn thu được khoảng 60 triệu đồng. Số tiền này, ông tiếp tục tái đầu tư cho luân kỳ thứ 2. Còn gia đình Y Lý Byă, ở buôn M’lia có gần 2,7 ha rừng trồng, trong đó 0,7 ha trồng năm 2009 (đã cho khai thác), 2 ha trồng năm 2014, trong đó, 0,7 ha đã cho khai thác mang lại cho gia đình ông khoản thu nhập đáng kể, được ông sử dụng tái đầu tư cho trồng rừng. Theo như chia sẻ của các hộ dân ở đây, thấy được hiệu quả kinh tế từ rừng trồng, thêm sự “hậu thuẫn” về vốn của dự án, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng mì sang trồng rừng. Có thể thấy, Dự án Flitch đang tạo nhiều cơ hội cho hộ nghèo phát triển kinh tế, đồng thời góp phần bảo vệ, phát triển vốn rừng. Chính vùng đất đồi tưởng chừng như không thể canh tác bất cứ loại cây gì lại rất thích hợp với cây keo lai. Suốt chu kỳ, người dân được dự án hỗ trợ hoàn toàn về kinh phí đầu tư, chỉ bỏ công chăm sóc, hơn nữa việc trồng rừng cũng phù hợp với tập quán canh tác của người dân địa phương, cho nên kỳ vọng đây sẽ là cơ hội tốt để nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nhân rộng mô hình trồng rừng để xóa đói giảm nghèo.

Thăm rừng trồng của các hộ dân ở xã Ea Trang (huyện M'Đrắk) do Dự án Flitch hỗ trợ.
Thăm rừng trồng của các hộ dân ở xã Ea Trang (huyện M'Đrắk) do Dự án Flitch hỗ trợ.

Với mức hỗ trợ 400USD/ha (tương đương 8.200.000 đồng) cộng với vốn đối ứng, các công ty lâm nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ đã trồng được trên 6.981 ha rừng sản xuất, góp phần mang lại thu nhập đáng kể cho cho người dân địa phương thông qua trả công trồng và chăm sóc rừng. Đồng thời tạo ra sản lượng trên 800.000 m3 gỗ, mang lại doanh thu khoảng 383.970 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Tiến Tý, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Phước An, trong bối cảnh  các công ty lâm nghiệp rơi vào bế tắc vì thiếu vốn, nguồn vốn của Dự án Flitch được xem là “phao cứu sinh” kịp thời cho doanh nghiệp, nhờ vậy mà đơn vị đã trồng được 1.100 ha rừng, từng bước vượt qua khó khăn, đưa hoạt động sản xuất trở lại quỹ đạo bình thường như hiện nay. Có thể nói đây là dự án phát triển nghề rừng tương đối toàn diện: tăng cường năng lực quản lý, sử dụng rừng và đất rừng cho cộng đồng và hộ gia đình trong vùng dự án; phát triển trồng rừng sản xuất có năng suất cao, trồng rừng phòng hộ, đặc dụng và các hoạt động lâm sinh khác nhằm tăng khả năng cung cấp gỗ, lâm sản, thu nhập của người dân, góp phần bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học; giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu về kết cấu hạ tầng để phát triển kinh tế, xã hội vùng dự án như đường giao thông, nước sinh hoạt, trạm y tế, trường học, công trình thủy lợi nhỏ và nhà văn hóa cộng đồng, cải thiện sinh kế cho người dân. Với những kết quả thành công bước đầu, Dự án Flitch tại tỉnh ta đang góp phần đẩy nhanh công tác xã hội hóa nghề rừng, thu hút người dân tham gia gắn bó lâu dài với nghề rừng.

Toàn tỉnh có 20 xã thuộc 4 huyện: Krông Bông, M’Đrắk, Lắk, Ea Kar được hỗ trợ đầu tư của Dự án Flitch, đã trồng 12.230 ha bao gồm: rừng sản xuất, rừng phòng hộ, nông – lâm kết hợp và cải tạo vườn hộ. Từ kết quả trên cho thấy, tỉnh ta có diện tích rừng trồng lớn nhất, chiếm 31% khối lượng toàn dự án, trong đó cao nhất là trồng rừng sản xuất cho công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ và các ban quản lý rừng phòng hộ… Bên cạnh đó, dự án còn tổ chức 353 lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng, nông – lâm kết hợp và trồng cây ăn trái cho 8.476 người dân địa phương.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc