Hạn chưa qua, lại đối mặt với giông lốc
Những cơn mưa đầu mùa chưa mang tới đủ niềm vui cho người dân ở Đắk Lắk sau đợt hạn lịch sử thì những trận giông lốc kèm theo mưa lại cuốn đi của người dân nhiều tài sản về nhà cửa và hoa màu…, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.
Hạn chưa hết
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, từ giữa tháng 4-2016 đến nay, hầu hết các địa phương đều đã xuất hiện những cơn mưa rào cục bộ đầu mùa, lượng mưa tại một số địa phương đạt khá như Ea H’leo, Cư Kuin, TP. Buôn Ma Thuột, Krông Búk, Ea Kar, Krông Bông..., nhưng phân bố không đều, diện mưa hẹp, do vậy, tình hình hạn hán trên địa bàn tỉnh chưa chấm dứt. Theo số liệu mới nhất, hiện toàn tỉnh có 58.655 ha bị hạn, tăng gần 7.300 ha so với tuần trước, cụ thể: lúa nước 6.236 ha (mất trắng 1.878 ha); cà phê 45.610 ha (mất trắng 4.984 ha); hồ tiêu 3.492 ha và một số diện tích cây trồng khác. Thiệt hại ước tính hơn 1.823 tỷ đồng. Các huyện có diện tích hạn tăng chủ yếu là Cư M’gar 11.252 ha, tăng gần 5.000 ha và thị xã Buôn Hồ 7.323, tăng gần 1.400 ha, Lắk 2.889 ha, tăng 874 ha. Ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar cho biết, diện tích cây cà phê bị hạn đã lên đến gần 11.000 ha và vẫn chưa dừng lại bởi nhiều nơi trên địa bàn huyện đến nay vẫn chưa có mưa, trong khi 77,7% hồ chứa đã cạn khô, riêng hồ Buôn Joong cũng gần hết nước, chỉ còn 1,2 triệu m3 nước và đang phải gồng mình tưới cho nhiều diện tích cà phê xung quanh.
Cà phê trên địa bàn huyện Cư M'gar bị cháy khô do thiếu nước. |
Bên cạnh đó, số hộ thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh vẫn tăng so với tuần trước, đến nay đã có 30.034 hộ, tăng 2.753 hộ. Giải pháp bảo đảm nước sinh hoạt chủ yếu là chia sẻ nguồn nước có trong vùng và sử dụng tiết kiệm; một số vùng không còn nguồn nước để chia sẻ thì địa phương đã tổ chức sửa chữa công trình cấp nước hoặc khoan giếng cấp nước tập trung cho nhân dân như các huyện Buôn Đôn đã khoan 15 giếng; Cư M’gar khoan 7 giếng; Krông Búk khoan 3 giếng, Ea H’leo đã triển khai khoan 7 giếng (trong đó 3 giếng không có nước).
Lại lo… thời tiết cực đoan
Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, từ 16-4 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 8 trận lốc xoáy làm hư hỏng hơn 197 nhà dân, tốc mái 30 phòng học và hư hại nhiều cơ sở hạ tầng khác tại các huyện Krông Năng, Ea Súp, Krông Búk, Ea Kar, Krông Ana, thị xã Buôn Hồ. Ước tính thiệt hại hơn 5,8 tỷ đồng. Đơn cử như ngày 16-4, tại địa bàn huyện Ea Súp xảy ra hiện tượng mưa giông kèm theo lốc xoáy làm 41 nhà bị tốc mái và 8 trụ điện bị gãy đổ, ước tính thiệt hại 700 triệu đồng. Ngày 26-4, tại huyện Ea Kar, mưa lốc làm hư hỏng 11 nhà dân, 4 trang trại, 5 phòng học, 10 ha cây trồng và một số tài sản khác. Đáng chú ý là trận mưa đá vào ngày 6-5 xuất hiện tại khu vực huyện Krông Búk và thị xã Buôn Hồ, kéo dài gần 1 giờ làm nhiều hộ gia đình bị thủng mái nhà và ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều diện tích hoa màu.
Trường THCS Cao Bá Quát (xã Ea Sô, huyện Ea Kar) bị mưa kèm giông lốc làm tốc hết mái vào ngày 3-5. |
Theo ông Nguyễn Đại Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh, vào thời điểm giao mùa thường xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông lốc, sấm sét và mưa đá. Còn theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, dự báo chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển sẽ tiếp tục suy giảm nhanh, nhiều khả năng El Nino sẽ chấm dứt và hiện tượng ENSO trở về trạng thái trung tính từ khoảng tháng 6 đến 7-2016. Những tháng tiếp theo, chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển có khả năng tiếp tục giảm nhanh, do vậy khả năng xuất hiện hiện tượng La Nina từ những tháng cuối năm 2016 là tương đối cao. Theo đó, lượng mưa tại khu vực Tây Nguyên vào các tháng 9 và 10 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 5-15%; đỉnh lũ năm 2016 trên các sông đều cao hơn đỉnh lũ năm 2015 và khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 2 và trên báo động 2, cần đề phòng khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét trên một số sông suối nhỏ.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc