Huyện Cư M'gar: Doanh nghiệp, HTX đa dạng hóa hoạt động để tồn tại và phát triển
Những năm gần đây, khi nhiều doanh nghiệp (DN), HTX gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, buộc phải ngưng hoạt động, thậm chí giải thể thì các DN, HTX trên địa bàn huyện Cư M’gar đã chủ động tìm cách đổi mới, đa dạng hóa hoạt động để phát triển.
Tiền thân của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm là một lâm trường trên địa bàn vùng sâu, vùng xa thuộc xã Ea Kiết, sau khi chuyển đổi (năm 1996), đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và tổ chức sản xuất kinh doanh với 8.891 ha đất tự nhiên trên địa bàn xã Ea Kuêh và Ea Kiết. Dựa vào nguồn tài nguyên rừng, đất rừng được giao, Công ty đã thành lập 5 đơn vị trực thuộc gồm Lâm trường Buôn Ja Wầm, Xí nghiệp cà phê, Xí nghiệp dịch vụ thương mại, Xí nghiệp sản xuất phân bón vi sinh, Khu vui chơi thể thao hoạt động riêng biệt theo từng nhiệm vụ được giao.
Hộ dân nhận khoán của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm thu hoạch cà phê niên vụ 2015 - 2016. |
Hiện tại, đơn vị đang quản lý, bảo vệ 37,7 ha cao su, 86 ha muồng đen xen canh bơ, chăm sóc 240 ha rừng trồng (tỷ lệ cây sống đạt trên 70%), 400 ha cà phê kinh doanh… Công tác giám sát, hướng dẫn quy trình trồng và chăm sóc cà phê theo hướng bền vững luôn được chú trọng nên chất lượng vườn cây chủ yếu đạt loại A và B; niên vụ vừa qua, sản lượng cà phê thu nộp 650 tấn quả tươi, đạt 98% sản lượng phải nộp hằng năm, thu sản lượng nợ cũ gần 200 tấn cà phê quả tươi, thu nợ vay đầu tư chăm sóc cà phê được 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhằm tận dụng quỹ đất trống và diện tích rừng nghèo, đơn vị đã liên kết với Công ty TNHH Phúc Huy (Gia Lai) thành lập Công ty TNHH chăn nuôi Phúc Lâm triển khai Dự án phát triển chăn nuôi bò và trồng cỏ tại tiểu khu 550 xã Ea Kiết trên diện tích 171 ha với quy mô 2.000 con bò thịt, tổng mức vốn đầu tư 37 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã xây dựng 4 hệ thống chuồng trại với 400 con bò, tạo công ăn việc làm cho 20 lao động tại địa phương. Chưa dừng lại ở đó, năm 2012, đơn vị đã khởi công xây dựng Khu vui chơi thể thao với 2 sân bóng đá mini nhân tạo, 2 sân bóng chuyền, 1 bàn bóng bàn, 9 bàn bi da, 1 nhà sàn, 2 tàu lượn, đu quay cho trẻ em… Hoạt động dịch vụ vui chơi thể thao đã thu hút được đông đảo mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tham gia, mang lại hiệu quả kinh tế cho Công ty cũng như phát triển phong trào thể dục thể thao, góp phần thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn.
Công tác quản lý, bảo vệ rừng thường xuyên được đẩy mạnh. Ông Dương Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cho biết, do diện tích rừng và đất rừng giáp ranh với các huyện Ea H’leo, Ea Súp, nên hằng năm Công ty kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân không phá, lấn chiếm rừng trái phép cũng như mở nhiều đợt tấn công, truy bắt xử lý lâm tặc chặt phá rừng và vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn nên tình trạng vi phạm lâm luật được hạn chế… Năm 2015, doanh thu của đơn vị đạt 12,5 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 480 triệu đồng, thu nhập của người lao động trên 6 triệu đồng/người/tháng. Với những kết quả đạt được, năm 2015 Công ty vinh dự được Bộ NN-PTNT tặng danh hiệu Doanh nghiệp vì nhà nông”, UBND tỉnh tặng Bằng khen Tập thể lao động xuất sắc và Bằng khen Đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011-2015.
Còn đối với HTX NN Công Bằng Cư Dliê Mnông, từ một tổ hợp tác với gần 10 hộ tham gia, sau gần 6 năm thành lập đến nay HTX đã có 117 hộ với 233,5 ha cà phê sản xuất theo Bộ nguyên tắc thương mại công bằng Fairtrade. Ông Nguyễn Đình Hào, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX cho biết, các đối tác không chỉ thu mua cà phê đạt chứng nhận FLO mà còn có nhu cầu mua các loại cà phê khác nên bên cạnh sản xuất, HTX còn thu mua cà phê đạt chứng nhận RFA, 4C của các hộ trong vùng để kinh doanh, gia tăng lợi nhuận. Năm 2015, HTX bán qua kênh thương mại công bằng 484,2 tấn, tổng doanh thu đạt gần 24 tỷ đồng, thu phúc lợi gần 4,6 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2014.
Điều quan trọng nhất khi tham gia HTX là cà phê của các thành viên luôn được bán cao hơn thị trường 3.000 đồng/kg, trong đó, một phần giá cộng hưởng được trích tái đầu tư cho cộng đồng theo từng hợp đồng bán hàng nên HTX luôn có quỹ phúc lợi (gần 7,8 tỷ đồng) để duy trì hoạt động, hỗ trợ phân bón cho người dân… Chỉ tính riêng trong năm 2015, HTX hỗ trợ hơn 1,1 tỷ đồng mua phân hữu cơ hỗ trợ cho các thành viên, 90 triệu đồng nâng cao năng lực sản xuất, 250 triệu đồng bảo vệ sản phẩm, gần 800 triệu đồng mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ sở hạ tầng, tặng quà cho các xã viên, ủng hộ người nghèo ăn tết, khuyến học khuyến tài... Thu nhập bình quân đầu người của thành viên là 46 triệu đồng/người/năm, tăng 10% so với năm 2014. HTX không những kinh doanh có hiệu quả mà còn có tránh nhiệm xã hội cộng đồng, tham gia tốt công tác xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng NTM, được khối thi đua Liên minh HTX tỉnh đề nghị UBND tỉnh tặng Bằng khen…
Ông Phạm Quang Mười, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 21 HTX, trong đó 15 HTX nông nghiệp, 3 HTX thương mại dịch vụ, 3 HTX điện. Cùng với các DN, nhiều HTX trên địa bàn đang từng bước đổi mới, đa dạng hóa hoạt động ngày càng hiệu quả, có những đóng góp tích cực thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc