Multimedia Đọc Báo in

Khi nông dân đi… du lịch

11:16, 26/05/2016

Xuất phát điểm là một lão nông với hai bàn tay trắng, ông Nguyễn Đình Hào (xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư M'gar) đã trở thành Chủ tịch mạng lưới thương mại Công Bằng Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Thương mại Công Bằng Châu Á – Thái Bình Dương.

Từ những giấc mơ nông dân

Rời quê hương Hà Tĩnh năm 1985, ông Hào (sinh năm 1966) vào xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư M’gar lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Để nuôi gia đình, ông phải làm thuê với đôi bàn tay không lành lặn và ông luôn mơ ước mình có một mảnh vườn nhỏ để trồng cà phê, ổn định cuộc sống. Từ số tiền tích lũy được, đầu năm 1994 ông mua được 3 ha đất để trồng cà phê. Những năm 2008, được sự giới thiệu, hỗ trợ của Công ty TNHH Đắk Man Việt Nam về sản xuất cà phê theo Bộ nguyên tắc Thương mại Công Bằng (Fair Trade Labelling Organization International - FLO), ông đã vận động các hộ dân trong vùng tham gia thành lập tổ liên kết Thương mại Công Bằng Cư Dliê Mnông. Sau nhiều năm sản xuất, phát triển chứng nhận Thương mại Công Bằng tích cực trên địa bàn, năm 2011 ông được Tổ chức Thương mại Công Bằng Châu Á – Thái Bình Dương mời đi du lịch tại Indonesia với tư cách là người sản xuất cà phê. Trong chuyến đi đầu tiên ra ngoại quốc, ông đã kỳ công chuẩn bị kiến thức, sản phẩm hàng hóa và mời các chuyên gia, khách hàng tiềm năng thử nếm sản phẩm cà phê do HTX sản xuất, nhờ đó ông đã tự kiếm cho tổ liên kết của mình những khách hàng đầu tiên. Để thúc đẩy sản xuất, năm 2011 HTX nông nghiệp Công Bằng Cư Dliê Mnông được thành lập trên cơ sở của tổ liên kết trước đó. Từ những đơn hàng đầu tiên với các khách hàng Indonesia, đến nay sản phẩm cà phê của HTX đã được bán ra tại nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Ấn Độ, Sri Lanca… và luôn được khách hàng ưa chuộng, nhờ vậy, HTX trở thành một trong những đơn vị tập thể sản xuất, kinh doanh cà phê hiệu quả nhất Việt Nam. Từ những thành quả đạt được, suốt 5 năm qua, ông Hào luôn được Tổ chức Thương mại Công Bằng Châu Á – Thái Bình Dương mời đi du lịch, tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến tại các nước Sri Lanca, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Ả-rập Xê-út, Mỹ. Sau mỗi chuyến đi, ông lại được tiếp cận với mô hình sản xuất mới, tìm được khách hàng tiềm năng... Với những nỗ lực của bản thân và sự tín nhiệm của các thành viên, năm 2014 ông được bầu làm Chủ tịch mạng lưới Thương mại Công Bằng Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Thương mại Công Bằng Châu Á – Thái Bình Dương.

Ông Nguyễn Đình Hào (thứ 2 từ phải qua) chụp hình lưu niệm với đối tác  của mình. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Ông Nguyễn Đình Hào (thứ 2 từ phải qua) chụp hình lưu niệm với đối tác của mình. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Đến tham vọng mở rộng mặt hàng nông sản FLO

Từ khi trở thành đại diện của Việt Nam về sản xuất trong tổ chức Thương mại Công Bằng Châu Á – Thái Bình Dương, công việc của ông Hào trở nên bận rộn hơn khi vừa phải đảm nhận nhiệm vụ điều hành HTX, vừa tìm kiếm, mở rộng sản phẩm đạt chứng nhận FLO, xây dựng mạng lưới FLO trên toàn Việt Nam. Thế giới hiện có khoảng 200 mặt hàng đạt chứng nhận FLO từ nông sản đến sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhưng Việt Nam hiện nay mới chỉ có 5 mặt hàng: cà phê, chè, điều, ca cao, gia vị. Để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển trước bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, ông đang có kế hoạch mở rộng sản phẩm đạt chứng nhận trên ca cao (đang triển khai tại huyện Ea Kar), hồ tiêu, bơ vào cuối năm 2016 và gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long năm 2017. Việc mở rộng sản phẩm đạt chứng nhận Thương mại Công Bằng cho người sản xuất, doanh nghiệp, khách hàng là giải pháp hữu hiệu đang được nhiều quốc gia lựa chọn và quyền lợi của người sản xuất được nâng lên khi bản thân họ được người tiêu dùng chấp nhận mua sản phẩm với giá cao hơn sản phẩm cùng loại không có chứng nhận FLO. Nhưng thực tế sản xuất theo bộ nguyên tắc này hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, theo ông Hào, căn cứ vào Bộ Nguyên tắc FLO, người sản xuất phải thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã nhưng hiện tại quy mô sản xuất của nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún; trình độ của người dân hạn chế, thiếu vắng người lãnh đạo HTX có trình độ, kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất… nên gặp khó khăn trong cách thức điều hành, phát triển sản phẩm. Theo hình thức sản xuất điển hình trong cách làm cà phê tại Indonesia là cà phê hữu cơ, năng suất chỉ đạt 0,8 – 1,5 tấn nhân/ha nhưng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích lại cao hơn so với mặt bằng chung của Việt Nam vì vườn cây của họ xen canh với dừa, chôm chôm, măng cụt… nên khi giá cà phê xuống thấp vẫn không ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân. Còn người dân Việt Nam vẫn còn sản xuất theo phong trào, chuyển đổi ồ ạt mà không lưu ý đến tính bền vững nên sẽ rất khó khăn khi truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của khách hàng.

Nhật Minh


Ý kiến bạn đọc