Khoan giếng chống hạn: Lợi bất cập hại
Trong khi hàng trăm hồ chứa cạn trơ đáy, nguồn nước sông, suối ở nhiều nơi cũng không còn thì việc khai thác nguồn nước ngầm bằng cách khoan giếng để chống hạn đang là giải pháp tối ưu được các địa phương lựa chọn. Tuy nhiên việc khoan giếng tràn lan như hiện nay sẽ để lại những hệ lụy về nguy cơ cạn kiệt tài nguyên nước.
Hệ lụy khó lường
Đắk Lắk đang trải qua một đợt hạn hán nghiêm trọng với những thiệt hại nặng nề về sản xuất. Đáng chú ý là theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, nguồn nước ngầm giảm nhiều, phổ biến thấp hơn cùng kỳ năm 2015 khoảng 3 - 6m, một số vùng do khoan giếng để khai thác nước ngầm tầng sâu đã làm cho lượng nước ngầm ở tầng nông giảm mạnh hoặc không có nước. Tuy nhiên, để có nước chống hạn cho cây trồng và nước sinh hoạt cho người dân, các địa phương đều chọn giải pháp khoan giếng để khai thác nguồn ngầm. Theo số liệu của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong đợt hạn vừa rồi, các địa phương đã hỗ trợ khoan 32 giếng phục nước sinh hoạt cho nhân dân, số giếng nước được hỗ trợ tập trung tại các vùng trọng điểm của hạn hán thuộc các huyện Buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Búk, Ea H’leo, trong đó có 3 giếng khoan trên địa bàn huyện Ea H’leo không có nước do mực nước ngầm suy giảm. Đó là chưa kể những giếng do nhân dân tự khoan lên tới hàng trăm cái. Đơn cử như tại huyện Lắk, trong đợt hạn này đã có gần 3.000 ha cây trồng bị hạn, trong đó mất trắng 553 ha, chủ yếu là lúa nước. Để cứu lúa các hộ dân đã khoan 192 giếng trên ruộng để bơm tưới cho lúa. Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar cũng cho biết, hiện có khoảng 46% diện tích cà phê trên địa bàn huyện được tưới bằng nguồn nước ngầm và toàn huyện đang có khoảng 1.000 giếng khoan, giếng đào phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Mực nước ngầm trên địa bàn cũng đã giảm từ 5 - 7m so với giai đoạn 2010-2015. Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi, mực nước ngầm ở Đắk Lắk trong những năm qua có dấu hiệu tụt giảm mạnh. Ngoài các nguyên nhân do biến đổi khí hậu khiến lượng mưa hàng năm thấp, diện tích rừng suy giảm, thì việc người dân khoan giếng để khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất một cách tràn lan gây nguy cơ thủng tầng nước ngầm cũng khiến mực nước giảm sâu.
Khoan giếng để lấy nước sinh hoạt trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Lê Hương |
Cần siết chặt công tác quản lý
Hằng năm Đắk Lắk sử dụng hơn 1 tỷ m3 nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp (gồm nước mặt và nước dưới đất), trong đó 770 công trình thủy lợi với trữ lượng hơn 430 triệu m3 nước chỉ bảo đảm tưới cho trên 76% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới. Như vậy hàng trăm nghìn ha cây công nghiệp dài ngày còn lại đều phải khai thác nguồn nước dưới đất để tưới, trong đó diện tích cà phê tưới bằng nước ngầm chiếm 56,6%. Đặc biệt vào mùa khô, nhân dân trên địa bàn tỉnh khai thác nước dưới đất để tưới cây cà phê khoảng trên 2 triệu m3/ngày. Khi nguồn nước ở tầng nông dưới mặt đất bị suy kiệt nên muốn có nhiều nước, càng ngày người ta càng khoan nhiều giếng và phải khoan sâu hơn, tuy nhiên việc quản lý khai thác nguồn nước ngầm lâu nay vẫn bị buông lỏng. Trên thực tế, công tác quản lý tài nguyên nước đã được Nhà nước quan tâm và ban hành nhiều văn bản như: Luật Tài nguyên nước năm 2012, Nghị định 201 năm 2013 quy định chi tiết một số điều của Luật Tài nguyên nước; Thông tư số 27/2014 của Bộ TN-MT quy định việc đăng ký, khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước, hay Nghị định 142/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực khai thác tài nguyên nước và khoáng sản cũng quy định khá chi tiết mức phạt đối với hành vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đăng ký, không có giấy phép theo quy định. Mặc dù đã có hành lang pháp lý nhưng thực tế còn nhiều người dân chưa biết các quy định này nên rất ít người đi xin phép khoan giếng.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, Đắk Lắk sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn về nguồn nước tưới như gia tăng quá trình hạn, thiếu nước… Mặt khác, trong tương lai khi mà các khu, cụm công nghiệp, nhiều vùng cây nông nghiệp được hình thành, việc mở rộng, nâng cấp đô thị, các khu du lịch nghỉ dưỡng, đi liền với nó là tốc độ phát triển về nhu cầu khai thác sử dụng nguồn nước tăng cao, đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Nếu không sớm quy hoạch, xây dựng các phương án quản lý, phân bổ nguồn tài nguyên nước một cách hợp lý và siết chặt công tác quản lý thì trong tương lai nguy cơ suy thoái nguồn nước rất cao. Cho nên, ngay từ bây giờ việc khoan giếng cần phải đi liền với công tác quản lý, sử dụng tốt nguồn nước ngầm để sử dụng lượng nước hữu hạn này một cách hiệu quả nhất.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc