Thấy gì qua các đợt kiểm tra phòng cháy chữa cháy rừng?
Qua kết quả kiểm tra của Chi cục Kiểm lâm tỉnh về công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) đối với các chủ rừng là doanh nghiệp (DN) tư nhân cho thấy, các đơn vị thiếu sự đầu tư bài bản về phương tiện, công cụ cũng như làm các công trình phòng chống cháy; việc tuần tra, đặt các biển cảnh báo cháy rừng ở các khu vực xung yếu còn ít… Đây chính là một trong những “lỗ hổng” trong công tác PCCCR hiện nay.
Kiểm tra thực địa công trình PCCCR trên diện tích rừng của Công ty TNHH Tín Phát . |
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, qua kiểm tra 6 DN nằm trong những địa bàn trọng điểm về cháy rừng tại các huyện: Krông Năng, Ea H’leo, Lắk và M’Đrắk, có 3 đơn vị xây dựng phương án PCCCR được cơ quan chức năng thẩm định và được phê duyệt theo quy định (Công ty Cổ phần trồng rừng Trường Thành, Công ty TNHH Tín Phát, Công ty Cổ phần Lâm nghiệp Trường Thành ); 3 đơn vị có xây dựng phương án PCCCR nhưng phương án chưa được thẩm định, phê duyệt theo quy định (Nông trường Hồ Lâm, Công ty Cổ phần AgriLak, Xí nghiệp nguyên liệu giấy Đắk Lắk). Việc thực hiện các công trình PCCCR của các đơn vị cũng không bảo đảm theo phương án đã xây dựng như: Nông trường Hồ Lâm trồng cây làm băng cản lửa (băng xanh) không đạt tiêu chí loài cây trồng trên băng cản lửa theo quy định; diện tích rừng trồng trong giai đoạn chăm sóc nhưng không được chăm sóc xử lý vật liệu cháy trong các lô rừng. Các công ty không xử lý làm giảm vật liệu cháy trong lô rừng, thảm thực vật dễ cháy (cây đót, lau lách, ràng ràng, tre, le…) khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng cao như: Nông trường Hồ Lâm (Ea H’leo); Công ty TNHH Tín Phát, Công ty Cổ phần trồng rừng Trường Thành (Krông Năng); Công ty Cổ phần AgriLak, (Lắk); Xí nghiệp nguyên liệu giấy Đắk Lắk (M’Đrắk và Lắk). Bên cạnh đó, các đơn vị thiếu sự quan tâm trong việc bảo dưỡng, vận hành máy móc, thiết bị chữa cháy rừng thường xuyên; thiết bị phòng chống cháy thiếu, không bảo đảm. Tại vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, các biển cấm lửa, bảng hướng dẫn, bảng quy định về quản lý bảo vệ rừng và PCCCR còn ít… Do vậy, nguy cơ để xảy ra cháy rừng là rất cao và khi cháy rừng xảy ra thì rất khó kiểm soát. Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong công tác PCCCR cũng chưa được các địa phương, hạt kiểm lâm chú trọng thường xuyên; ngoài ra, chính quyền địa phương sở tại chưa có biện pháp hữu hiệu trong ngăn chặn, xử lý đối với những trường hợp đốt rừng làm nương rẫy… Chính vì vậy, ngày 18-3-2016, Công ty Cổ phần trồng rừng Trường Thành đã để xảy ra cháy rừng thiệt hại 15,1 ha tại tiểu khu 311, xã Cư Klông, huyện Krông Năng.
Kiểm tra công trình PCCCR tại huyện Krông Năng. |
Ông Mai Văn Kiện, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết, khó khăn chung trong công tác PCCCR hiện nay là cán bộ quản lý bảo vệ rừng của hạt kiểm lâm, đội kiểm lâm cơ động và PCCCR còn yếu về nghiệp vụ, thiếu về số lượng nên chưa bảo đảm cho công tác tham mưu, đề xuất kịp thời cho lãnh đạo các đơn vị về công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR ngay từ cơ sở. Nhiều diện tích rừng tiếp giáp đất nông nghiệp, khu dân cư nên việc kiểm soát nguồn lửa gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, nguồn kinh phí chi cho công tác PCCCR của các đơn vị chủ rừng không bảo đảm nên các đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp PCCCR theo phương án đã được, phê duyệt như: làm đường băng cản lửa không đảm bảo theo quy định, các đường băng chính chủ yếu lợi dụng hệ thống đường có sẵn, đường băng phụ, băng ngang hầu như không có; thiếu biển quản lý bảo vệ rừng, bảng cấm lửa; trang thiết bị, công cụ phòng chống cháy rừng còn thiếu. Mặt khác, chưa có chế tài xử lý nên một số đơn vị không xây dựng hoặc có xây dựng nhưng mang tính hình thức, việc triển khai thực hiện không đúng theo phương án xây dựng, phê duyệt. Một bất cập nữa là khi xảy ra cháy rừng, công tác phối hợp giữa các tổ chức, đơn vị liên quan và địa phương chưa chặt chẽ, kịp thời nên hiệu quả chưa cao, hầu hết các diện tích rừng một khi đã cháy thì mức thiệt hại đều từ 50% trở lên.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc