Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện tiêu chí thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới Còn nhiều thách thức

11:16, 26/05/2016

Thủy lợi là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và là đòn bẩy trong thực hiện các tiêu chí khác về sản xuất nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, do nguồn vốn lớn nên việc thực hiện tiêu chí này ở nhiều địa phương còn là một thách thức không nhỏ.

Nhiều xã trắng tiêu chí thủy lợi

Tính đến nay, toàn tỉnh mới có 70/152 xã đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi, trong đó nhiều huyện đạt thấp như M’Đrắk, Buôn Đôn, mỗi huyện mới có 1 xã đạt; Ea Súp, Lắk có 2 xã; Krông Bông, Krông Năng, Krông Búk, TX. Buôn Hồ có 3 xã, thậm chí nhiều xã trắng công trình thủy lợi như xã Ea H’leo, Ea Tir (huyện Ea H’leo). Theo chính quyền xã Ea H’leo cho biết, hiện trên địa bàn có 900 ha cà phê, hơn 300 ha tiêu, 261 ha lúa nước 1 vụ và hàng trăm ha cây ăn quả, hoa màu khác, nhưng không có một công trình thủy lợi nào nên mọi nhu cầu tưới đều phụ thuộc vào nguồn nước trời và nước ngầm. Trước thực trạng trên, năm 2010, dự án hồ chứa Ea H’leo 1 với tổng kinh phí trên 700 tỷ đồng được xây dựng nhằm phục vụ tưới tiêu cho hơn 2.400 ha cây trồng các loại, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai do thiếu vốn. Do vậy, hiện nay xã mới đạt 10 tiêu chí nông thôn mới, 9 tiêu chí còn lại xã đang nỗ lực thực hiện, nhưng khó khăn nhất vẫn là tiêu chí thủy lợi bởi không biết bao giờ mới hoàn thành được tiêu chí này nếu không có sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước. Hiện trên địa bàn huyện Ea H’leo có 39 công trình thủy lợi, chủ yếu là các hồ chứa nhỏ và mật độ thưa nên chỉ mới đáp ứng được 10% nhu cầu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Hay tại huyện Ea Kar, hiện trên địa bàn huyện có 67 công trình thủy lợi (52 hồ chứa, 2 đập dâng) và 13 trạm bơm tưới. Thời gian qua, các xã đã tập trung thực hiện tiêu chí thủy lợi bằng việc cải tạo và nâng cấp, kiên cố hóa, nạo vét kênh mương, xây dựng nâng cấp cống và trạm bơm phục vụ hoạt động tưới tiêu. Đến nay đã có 19 công trình hồ đập và 24,84 km kênh mương được thực hiện với tổng kinh phí 124,1 tỷ đồng. Tuy nhiên việc hoàn thành tiêu chí thủy lợi ở nhiều xã vẫn còn là thách thức không nhỏ vì phần lớn công trình đang xuống cấp nghiêm trọng hoặc chưa hoàn thiện về hệ thống kênh mương, cần được đầu tư lớn, đó là chưa kể những xã cần xây dựng thêm các công trình để bảo đảm sản xuất, nhất là ở 6 xã chưa đạt tiêu chí này.

Hệ thống kênh mương nội đồng ở huyện Lắk phần lớn chưa được kiên cố hóa.
Hệ thống kênh mương nội đồng ở huyện Lắk phần lớn chưa được kiên cố hóa.

Theo Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới thì tiêu chí về thủy lợi có 2 tiêu chí nhỏ gồm: hệ thống thủy lợi phải cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh; tỷ lệ km kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa phải đạt 85%. Trên thực tế, việc đáp ứng được các tiêu chí nhỏ này không dễ bởi có đến 381 công trình không có kênh mương, 389 công trình có hệ thống kênh tưới với tổng chiều dài kênh mương là 1.919 km (876,5 km kênh chính và 1.042,5 km kênh nhánh), trong đó chưa được kiên cố hóa là 855,9 km (289,2 km kênh chính và 566,7 km kênh nhánh).

Cần quan tâm đầu tư

Hiện trên địa bàn tỉnh có 770 công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ, gồm: 599 hồ chứa, 115 đập dâng, 56 trạm bơm, cung cấp nước tưới trực tiếp và hỗ trợ tưới được 243.470 ha/320.000 ha diện tích cây trồng chính và một phần cấp nước sinh hoạt và nuôi trồng thuỷ sản. Tuy nhiên, nguồn nước từ công trình thủy lợi phục vụ tưới cho hoa màu và các loại cây trồng khác còn ở mức thấp. So với nhu cầu tưới, tưới chủ động với cây hằng năm (chủ yếu lúa nước, ngô, rau đông xuân) đáp ứng khoảng 87,6%, cây lâu năm chủ yếu cà phê, tiêu, ca cao mới đáp ứng khoảng 64,3%. Mặt khác, do chất lượng đập không cao, nhất là những công trình đã xây dựng trên 20 năm đa phần có biểu hiện xuống cấp ở nhiều mức độ khác nhau như mái thượng lưu đã bị xói lở, biến dạng; mái hạ lưu có hiện tượng thấm nhiều và mạnh; đỉnh đập chủ yếu làm bằng đất, một số đỉnh kết hợp với giao thông nên bị xói lở, lồi lõm… khiến các công trình không phát huy hết công suất tưới theo thiết kế. Mặc dù hệ thống thủy lợi sau khi phân cấp quản lý đã có nhiều chuyển biến tích cực, song so với tiêu chí về thủy lợi trong XDNTM thì chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nhất là tỷ lệ cứng hóa kênh mương.

Theo Ban điều phối XDNTM tỉnh, trong giai đoạn 2016-2020, Đắk Lắk phấn đấu thủy lợi bảo đảm tưới chủ động cho 82% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới, hệ thống kênh mương được kiên cố hóa đạt tỷ lệ 60%. Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn này là 1.541 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 1.141 tỷ đồng. Để thực hiện được điều này, Đắk Lắk cần đầu tư đồng bộ dự án xây dựng các công trình thủy lợi lớn  trọng điểm đồng thời nâng cấp các công trình thủy lợi vừa và nhỏ, hoàn thiện hệ thống kênh mương nhằm đáp ứng đủ nguồn nước phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất của nhân dân trong tỉnh. Đặc biệt, cần đầu tư xây dựng gấp một số công trình thủy lợi trọng điểm phục vụ nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh như: công trình thủy lợi Ea M’droh (huyện Cư M’gar), Ea H’leo 1 (huyện Ea H’leo), Krông Năng (huyện Krông Năng)... để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất tăng nhanh, đồng thời, các địa phương phải tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao tinh thần trách nhiệm trong bảo vệ công trình, tích cực tham gia đóng góp ngày công, kinh phí đào đắp, nạo vét kênh mương để có thể sớm hoàn thành tiêu chí này.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.