Triển vọng từ mô hình sản xuất rau hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản
Ngoài một số mô hình sản xuất rau theo chứng nhận VietGAP và theo quy trình rau an toàn, những năm gần đây mô hình sản xuất rau theo chương trình hữu cơ (trồng rau không sử dụng phân hóa học và nông dược) bước đầu được xem là thành công tại TP. Buôn Ma Thuột và sản phẩm được người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng. Đó là mô hình sản xuất rau hữu cơ của Công ty Liên kết nông dân do ông Motoosa Katayama (67 tuổi), người Nhật Bản gây dựng. Từng là Phó Chủ tịch Hiệp hội đào tạo phi lợi nhuận Nhật Bản NPO, có hơn 40 năm kinh nghiệm về nghiên cứu, phát triển và tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ thành công tại tỉnh Ehime (Nhật Bản), ông Motoosa mong muốn chuyển giao công nghệ sản xuất rau sạch cho người Việt Nam nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tạo việc làm ổn định cho người lao động địa phương.
Hiện nay, Công ty Liên kết nông dân sản xuất rau hữu cơ có 2 ha rau hữu cơ dưới sự quản lý và sản xuất của 12 nhân viên Việt Nam và 3 người Nhật Bản, chủ yếu trồng các loại rau, quả như: cà rốt, đậu cô ve, cà tím, cà tròn, củ cải và nhiều loại rau ăn lá khác… Cây rau phát triển dựa trên nguồn dinh dưỡng từ phân bón hữu cơ (phân chuồng hoai mục) và năng lượng từ ánh sáng mặt trời. Quản lý sâu bệnh dựa vào lực lượng sinh vật có ích trong vườn (thiên địch) và sự tác động giữ cân bằng sinh thái của con người; tuyệt đối không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, kích thích tăng trưởng, phân bón hóa học NPK, giống rau biến đổi gien (MGO), hóa chất bảo quản... Mặc dù năng suất rau không cao, nhưng sản phẩm rau hữu cơ tuyệt đối an toàn đối với sức khỏe của người tiêu dùng và không gây hại đến môi trường, nguồn nước; đặc biệt rau có mùi thơm tự nhiên, có vị ngọt dễ chịu và có thể để dành sử dụng trong nhiều ngày.
Hiện nay, Công ty Liên kết nông dân phân phối rau theo hình thức đặt hàng qua điện thoại và giao rau đến tận nhà (kể cả đặt rất ít về số lượng), giá rau chỉ cao hơn một chút so với giá thị trường nên đã kết nối được rất nhiều khách hàng tại địa phương. Mỗi ngày, công ty của ông Motoosa xuất ra thị trường khoảng 100 kg rau hữu cơ qua hình thức phân phối trên.
Từ năm 2012 đến nay, song song với chương trình sản xuất rau hữu cơ các loại để cung cấp cho khách hàng ưa chuộng nguồn rau sạch, ông Motoosa Katayama cùng đội ngũ nhân viên có nhiều năm nghiên cứu học tập tại Nhật Bản còn bắt tay vào nghiên cứu thực nghiệm đánh giá sự thích nghi của các giống rau Nhật Bản tại Buôn Ma Thuột như ớt, khoai lang, gừng, cà chua và đáng chú ý nhất là 2 giống bầu Nhật Bản (bầu xuất khẩu sợi khô và bầu xuất khẩu hạt để làm gốc ghép).
Hiện nay Công ty Liên kết nông dân đang sản xuất gần 3 ha bầu Nhật Bản tại xã Hòa Thắng và phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột). Để giống bầu Nhật Bản phát huy hiệu quả tại Buôn Ma Thuột ở vụ Xuân 2016, ông Motoosa Katayama cùng với đội ngũ nhân viên người Nhật và người Việt Nam đã dày công khảo nghiệm đánh giá sự thích nghi của các giống bầu này tại Buôn Ma Thuột qua nhiều vụ liên tiếp. Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, người chịu trách nhiệm quản lý kỹ thuật sản xuất, với 6.000 gốc bầu (loại xuất khẩu sợi khô) trên 1 ha, nếu sản xuất đúng kỹ thuật, không gặp rủi ro về thời tiết, sau 87 ngày sinh trưởng sẽ cho năng suất từ 120-150 tấn bầu tươi. Nếu bán quả tươi với giá 2.300 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sẽ lãi hơn 170 triệu đồng; còn nếu sơ chế sợi khô xuất khẩu sang Nhật Bản thì sẽ lãi hơn rất nhiều. Ông Motoosa Katayama cho biết, đối với sản phẩm bầu xuất khẩu sợi khô đang sản xuất, Nhật Bản đã đặt hàng mua với nguyên liệu sợi bầu đã qua chế biến phơi (hoặc sấy) khô. Hiện nay, công ty ông đã mua máy gọt vỏ, xắt sợi để sơ chế, xuất khẩu theo tiêu chuẩn của Nhật Bản.
Cẩm Lai
Ý kiến bạn đọc