Multimedia Đọc Báo in

Vốn khởi nghiệp giúp thanh niên thoát nghèo

11:25, 26/05/2016

Những năm qua, nhờ được tiếp sức từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) TP. Buôn Ma Thuột, nhiều đoàn viên thanh niên đã có điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu.

Năm 2013, anh Phạm Bá Doanh (SN 1986) ở thôn 3, xã Hòa Phú lập gia đình, nhưng do không có nghề nghiệp ổn định lại thiếu đất canh tác nên kinh tế rất khó khăn, nhất là khi vợ chồng anh có thêm con nhỏ. Năm 2014, được Hội LHTN thành phố hỗ trợ 20 triệu đồng vốn khởi nghiệp để mua 1 bò giống nuôi sinh sản. Sau đó, anh xin gia đình cho mượn hơn 1 sào đất vườn để canh tác rau xanh và trồng cỏ nuôi bò. Nhờ cần cù chịu khó làm ăn, tính tình hiền lành nên được bà con trong thôn thương mến cho mượn thêm 2 sào đất để trồng thêm rau xanh. Đến nay, từ nguồn vốn khởi nghiệp ban đầu, bò mẹ đã đẻ được 1 bê con và đang chuẩn bị cho lứa thứ 2. Với 3 sào rau xanh tốt mỗi tháng cho gia đình anh thu lãi từ 5-6 triệu đồng. Gia đình anh Doanh không chỉ thoát nghèo mà còn có của để dành.

Anh Phạm Bá Doanh ở thôn 3, xã Hòa Phú đang chăm sóc bò từ vốn vay khởi nghiệp.
Anh Phạm Bá Doanh ở thôn 3, xã Hòa Phú đang chăm sóc bò từ vốn vay khởi nghiệp.

Với đoàn viên Bạch Thanh Tuấn ở tổ dân phố 3, phường Tân Tiến, vốn có tay nghề làm thợ mộc nhiều năm, nhưng chủ yếu là làm thuê cho người khác nên thu nhập rất bấp bênh. Năm 2013 anh vay 50 triệu đồng từ vốn khởi nghiệp của Hội LHTN thành phố mạnh dạn đầu tư cửa hàng bán đồ gỗ mỹ nghệ do chính mình làm ra. Sau gần 3 năm kinh doanh, cửa hàng của anh Tuấn hiện cho thu nhập khá ổn định, trừ chi phí mỗi năm lãi 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh còn dạy nghề và tạo việc làm cho 3 thanh niên trên địa bàn phường với thu nhập 3-4 triệu đồng/tháng. Cũng từ vốn khởi nghiệp, năm 2013 anh Y Noan Ayun ở thôn 3, xã Ea Tu được vay 30 triệu đồng. Số tiền này anh đầu tư đào 1 ao nuôi cá với diện tích 500 m2. Nhờ tích cóp làm ăn, từ 1 ao cá ban đầu, đến nay anh đã mở rộng được 3 ao, thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm.

Những năm qua, từ nguồn vốn khởi nghiệp của Hội LHTN thành phố, các đối tượng được vay đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Mục đích sử dụng nguồn vốn đã được mở rộng và đa dạng ngành nghề hơn như: Chăn nuôi, trồng cây ăn quả, mở các cửa hàng kinh doanh dịch vụ, khôi phục các ngành nghề truyền thống… Từ đó, đã xuất hiện ngày càng nhiều gương điển hình có thu nhập bình quân từ 50 đến 100 triệu đồng/năm và trở thành những địa chỉ tin cậy cho các đoàn viên thanh niên trong toàn tỉnh học tập. Chị H’Hương BKrông, Phó Bí thư Thành đoàn Buôn Ma Thuột, Phó Chủ tịch hội LHTN thành phố cho biết, số tiền vay bình quân 30-50 triệu đồng tuy nhỏ nhưng thật sự rất ý nghĩa để các đoàn viên thanh niên có hoàn cảnh khó khăn thực hiện ý tưởng khởi nghiệp của mình. Hiện, hầu hết các dự án làm kinh tế của thanh niên vay vốn đều hoạt động có hiệu quả, cho thu nhập cao.

Theo chị H’Hương BKrông, để tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên dễ dàng tiếp cận nguồn quỹ lập nghiệp, Hội đang thực hiện đơn giản hóa các thủ tục và mở rộng đối tượng cho vay là tất cả các thanh niên có nhu cầu làm giàu chính đáng thay vì chỉ ưu tiên cho những thanh niên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn vay như trước đây.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.