Xây dựng nông thôn mới ở huyện Cư Kuin: Nan giải tiêu chí chợ
Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng UBND huyện Cư Kuin, toàn huyện hiện có 8 chợ gồm: chợ Trung Hòa và 19-8 (xã Ea Tiêu), Thôn lô 13 (xã Dray Bhăng), Việt Đức 3 (xã Ea Bhôk), An Bình và Ea Hu 1 (xã Ea Hu), Hòa Hiệp (xã Hòa Hiệp), Việt Đức 4 (Ea Ning).
Hầu hết các chợ trên địa bàn đều là chợ tạm, xuống cấp nghiêm trọng, công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường chưa bảo đảm. Việc bố trí các quầy, sạp còn lộn xộn, không theo bất kỳ một quy hoạch nào, nhiều chợ chưa có khu vệ sinh, thoát nước thải, khu vực chứa rác… Một số chợ như 19-8, Thôn lô 13, Việt Đức 3, An Bình có diện tích nhỏ, không đủ để thực hiện các dịch vụ như giữ xe, kho bãi.
Chợ 19-8 (xã Ea Tiêu) là điểm giao thương, buôn bán chính của địa phương và các xã lân cận, được hình thành từ năm 1990 do Nông trường cao su 19-8 thành lập với diện tích trên 7.400 m2. Hiện chợ có gần 100 tiểu thương buôn bán cố định hoặc không cố định, được giao cho UBND xã Ea Tiêu quản lý, khai thác trong tình trạng nhiều hạng mục đã xuống cấp, việc quy hoạch phân lô ki ốt không được thiết kế theo quy định chung; quầy, sạp của tiểu thương hầu hết chỉ là lều tạm, hệ thống điện thì rối rắm chằng chịt. Do chợ hoạt động trên nền đất, các lối đi quá chật hẹp lại không có hệ thống thoát nước thải, khu vệ sinh nên các lối đi ở khu bày bán thực phẩm thường hay đọng nước, mùi hôi luôn bốc lên từ các rãnh nước...
Một góc chợ 19-8 (xã Ea Tiêu). |
Theo bà Nguyễn Thị Thống, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu, hiện trên địa bàn xã có hai chợ gồm chợ Trung Hòa và 19-8, nhiều năm qua, xã cũng quan tâm nhiều đến vấn đề cải tạo, nâng cấp để đạt tiêu chí chợ nông thôn mới nhưng do thiếu nguồn vốn, xã cũng đã huy động mọi nguồn lực song không đủ. Đến nay, đã 5 năm trôi qua vẫn chưa có nhà đầu tư nào bắt tay vào thực hiện cải tạo, nâng cấp chợ nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân trên địa bàn.
Tương tự, chợ Ea Hu 1 (xã Ea Hu) có diện tích chỉ 1.825m2, cũng chưa được đầu tư về hạ tầng, công tác vệ sinh môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Chợ họp cả ngày, hàng hóa lưu thông khá phong phú nhưng các ngành hàng bố trí tự phát, thiếu khoa học, nhiều hộ kinh doanh tự bỏ tiền ra cơi nới quầy theo cách “mỗi hộ một kiểu”. Thêm vào đó, chợ không có khu vực nhà lồng, các lối đi chật hẹp gây khó khăn cho việc vận chuyển, bày bán hàng hóa của tiểu thương.
Theo tiêu chí về chợ trong xây dựng nông thôn mới thì điều kiện để xây dựng chợ phải phù hợp cho việc lưu thông hàng hóa, gần khu dân cư, trung tâm xã; hoạt động chợ phải kết hợp với các dịch vụ thương mại, văn hóa khác có liên quan; diện tích đất xây dựng chợ phải từ 3.000 m2 trở lên; diện tích nhà chợ chính tối đa hơn 40%; diện tích mua bán ngoài trời tối thiểu 25%; diện tích đường giao thông nội bộ dưới 25% và diện tích sân, cây xanh ít nhất 10%. Mỗi chợ nông thôn phải có các khu kinh doanh theo ngành hàng gồm: nhà chợ chính, diện tích kinh doanh ngoài trời, đường đi, bãi đỗ xe, cây xanh, nơi thu gom rác...
Trên thực tế, việc đưa các chợ nông thôn thoát khỏi tình trạng xập xệ, xuống cấp và ô nhiễm như hiện nay là việc làm cần thiết. Thời gian qua, chính quyền huyện Cư Kuin cũng đang tạo mọi điều kiện thuận lợi để tìm cách thu hút đầu tư, chuyển đổi mô hình Ban quản lý chợ sang mô hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh, quản lý, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có chợ nào được chuyển đổi. Khó khăn ở chỗ một số chợ có khuôn viên quá chật hẹp như chợ Ea Hu, Thôn lô 13… chưa thể đáp ứng nhu cầu kinh doanh của các hộ dân. Quan trọng hơn, đối với các chợ như Trung Hòa, Hòa Hiệp, Việt Đức 4, tình hình sử dụng đất còn nhiều vướng mắc do trước đây chính quyền địa phương đã giao đất và cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài hoặc hợp đồng kinh doanh từ 15-30 năm cho tiểu thương nên hiện rất khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư xây dựng chợ cũng như quy hoạch, bố trí lại ngành hàng.
Ông Đặng Như Phú Tân, Phó trưởng Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện cho hay, việc đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại trên địa bàn còn yếu kém do khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Từ năm 2012 đến nay, toàn huyện không có chợ nào được nâng cấp, sửa chữa. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có một chợ duy nhất là chợ Hòa Hiệp đạt tiêu chí chợ nông thôn mới. Huyện cũng đã nhiều lần kêy gọi đầu tư xây dựng chợ nông thôn với nhiều ưu đãi hấp dẫn về thuế, quản lý và khấu hao tài sản cố định… nhưng không hiệu quả.
Huyện Cư Kuin là địa phương có nhiều tiềm lực để đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, việc xây dựng chợ đạt tiêu chí chợ nông thôn mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đáp ứng nhu cầu phát triển, giao thương hàng hóa của địa phương, góp phần nâng dần mức thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn. Do đó, nên chăng chính quyền địa phương cần tích cực hơn nữa trong việc xây dựng chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư tham gia chuyển đổi mô hình quản lý. Đối với các chợ mà việc quy hoạch liên quan đến việc giải tỏa, giải phóng mặt bằng thì cần có chính sách hỗ trợ, đền bù thỏa đáng để động viên người kinh doanh, đồng thời, tạo hành lang thông thoáng cho các nhà đầu tư an tâm tham gia cùng địa phương thực hiện đổi mới mô hình quản lý chợ.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc