Multimedia Đọc Báo in

Cần có giải pháp khả thi trong hạ lãi suất cho vay

09:27, 06/06/2016

Vào thời điểm đầu năm nay, hiện tượng các ngân hàng chạy đua tăng lãi suất đầu vào khiến các doanh nghiệp (DN) và người dân lo lắng lãi suất cho vay sẽ tăng lên. Mặc dù điều quan ngại đó đã không xảy ra, nhưng để tiếp cận được vốn giá rẻ vẫn đang là “bài toán” khó với người đi vay.

Tín hiệu của thị trường

Trái với nửa đầu năm 2016, cả lãi suất huy động lẫn cho vay đang có dấu hiệu giảm dần. Mới đây, một loạt các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) điều chỉnh giảm lãi suất huy động, với mức giảm từ 0,1%-0,2% lãi suất ở các kỳ hạn khác nhau. Cụ thể, theo biểu lãi suất huy động của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) công bố kỳ hạn 6 tháng, lãi suất giảm 0,1% chỉ còn 5,5%/năm, kỳ hạn 36 tháng, với khoản tiền trên 10 tỷ đồng, trước đây áp lãi suất 8%/năm thì hiện cũng xuống 7,8%/năm. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng chính thức điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất ở một số kỳ hạn chủ chốt: 6 tháng giảm từ 5,8% xuống còn 5,7%/năm, 12 và 18 tháng, lãi suất lần lượt về mức 6,5% và 6,55%/năm. Tương tự, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng giảm lãi tiết kiệm cá nhân ở kỳ hạn 9 tháng với mức điều chỉnh 0,1% từ mức 5,6% xuống còn 5,5%/năm. Hiện mức lãi suất cao nhất của ngân hàng này là 6,8% ở kỳ hạn 36 tháng. Trong khi đó, khối ngân hàng TMCP Nhà nước mới chỉ có  Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) công bố giảm lãi suất xuống 6,8% ở kỳ hạn 36 tháng. Các ngân hàng lớn như Ngân hàng NN-PTNT (Agribank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) mặc dù chưa công bố giảm lãi suất huy động, nhưng mặt bằng lãi suất ở các ngân hàng này vốn đang ở mức khá thấp so với các ngân hàng cổ phần khác.

            Nhân viên Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Krông Bông hướng dẫn thủ tục vay vốn cho khách hàng
Nhân viên Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Krông Bông hướng dẫn thủ tục vay vốn cho khách hàng

Trong khi đó, từ 29-4, có 4 ngân hàng TMCP Nhà nước cũng đã công bố giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND và điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng tốt vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; một số ngân hàng TMCP như SHB, TPBank... đã giảm lãi suất cho vay ngắn hạn 0,5%/năm đối với các DN thuộc lĩnh vực ưu tiên, áp dụng mức lãi suất ưu đãi tối đa 10%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn thuộc các lĩnh vực này. Đáng chú ý là theo một số ngân hàng, đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay có thể chỉ từ 5-6%/năm.

Lãi suất đã thật sự hạ?

Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4-2016 vừa qua, Chính phủ chính thức nêu cụ thể yêu cầu giảm lãi suất cho vay đối với nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Trước đó, tại hội nghị với DN, Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN đã cùng nhấn mạnh mục tiêu tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Ngay sau hội nghị trên, nhiều ngân hàng đã công bố chính sách giảm lãi suất. Tuy nhiên thực tế cho thấy, mặc dù ngân hàng đang cố gắng thực hiện chủ trương giảm lãi suất của Chính phủ, nhưng nỗ lực này đang gặp khó khăn. Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh Đắk Lắk lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7%/năm, lãi suất cho vay các lĩnh vực còn lại phổ biến ở mức 8%/năm đối với cho vay ngắn hạn, 9%-11%/năm đối với cho vay trung, dài hạn; lãi suất cho vay ngoại tệ phổ biến từ 3,5% -4,2%/năm. Như vậy, mặt bằng lãi suất thực tế vẫn chưa hạ xuống như mong muốn của DN và người dân. Đại diện một ngân hàng TMCP trên địa bàn tỉnh cho rằng, các ngân hàng TMCP vẫn đang nỗ lực tái cấu trúc, xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng đã “ăn mòn” lớn lợi nhuận nên việc giảm lãi suất gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, thời gian qua, việc nhiều ngân hàng phải huy động với lãi suất cao (có thời điểm lên đến 8,2%/năm) càng khiến việc hạ lãi suất khó thành hiện thực. Điều này thể hiện rõ bởi theo chia sẻ của lãnh đạo một số DN, chủ trương giảm lãi suất vẫn chưa thể hiện trong thực tế khi DN có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án đầu tư khả thi, nhưng vẫn phải chịu lãi suất thông thường.

Khách hàng giao dịch tại Vietinbank Chi nhánh Đắ k Lắk
 

Rõ ràng, thị trường vốn giá rẻ vẫn mới chỉ dừng lại ở mức “tín hiệu” chứ chưa thật sự mang lại lợi ích cho DN và người dân. Do vậy, trong thời gian tới, các ngân hàng và nhất là NHNN phải có giải pháp hạ lãi suất mang tính khả thi thực tế như giảm một phần nhỏ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, áp trần lãi suất huy động hoặc bớt mua trái phiếu... chứ không phải theo mệnh lệnh hành chính như hiện nay.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.