Doanh nghiệp ngoài quốc doanh: Cần lắm những "cú hích"
Thời gian gần đây, doanh nghiệp ngoài quốc doanh (DNNQD) đang ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội. Thế nhưng, khu vực kinh tế này vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ hiệu quả.
Động lực của nền kinh tế
Hiện nay trong toàn tỉnh có trên 6 nghìn DNNQD đang hoạt động, với tổng số vốn đăng ký 31.038 tỷ đồng và có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Trong đó có nhiều lĩnh vực, ngành nghề chiếm tỷ trọng áp đảo như sản xuất cơ khí phục vụ nông nghiệp, lương thực, thực phẩm, sản phẩm dịch vụ... Đã xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động tốt, tạo được chỗ đứng trên thị trường như Công ty TNHH Đăng Phong, Công ty TNHH Cơ khí Viết Hiền, sản phẩm nước uống Dawa của Cơ khí Ngọc và nhất là những sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương như các sản phẩm Cà phê Trung Nguyên, Cà phê Mehyco, Cà phê Trường Giang, Cà phê Uy Tín… đứng vững trên thị trường trong nhiều năm qua góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm, DNNQD đã đóng góp vào ngân sách tỉnh trên 434,3 tỷ đồng, chiếm trên 30% tổng thu ngân sách và đạt tốc độ tăng trưởng 4,2% so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, một dữ liệu khác cho thấy tầm quan trọng của DNNQD trong tổng thể nền kinh tế là dư nợ tại các tổ chức tín dụng. Theo số liệu của Ngân hàng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk, dư nợ tín dụng của DNNQD (trừ công ty Nhà nước, Công ty TNHH MTV do Nhà nước sở hữu, Công ty cổ phần có vốn của Nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài…) hiện lên đến gần 57 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 93,6% tổng dư nợ của các thành phần kinh tế trong toàn tỉnh.
Cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng của một doanh nghiệp tư nhân tai huyện Buôn Đôn. |
Cần có giải pháp tổng thể
DNNQD có vai trò quan trọng như vậy, song trong nhận thức và hoạt động thực tiễn, vẫn còn có các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý chưa thấy hết được vai trò của khu vực kinh tế này và chưa đưa ra được những giải pháp thật thích hợp nhằm tạo động lực mạnh mẽ để phát triển DNNQD. Thậm chí, trong chừng mực nhất định, DNNQD đang bị xem là “con ghẻ” trong tổng thể nền kinh tế. Do vậy, muốn tạo động lực cho phát triển DNNQD tất yếu phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện tốt nhất môi trường đầu tư kinh doanh như cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, giải pháp liên quan đến đất đai, cấp phép xây dựng, thủ tục đầu tư, thành lập DN… Riêng đối với việc tiếp cận vốn vay, đại diện một ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cho rằng, DNNQD của Đắk Lắk chủ yếu là DN vừa và nhỏ nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận tài chính bởi phần lớn không có tài sản thế chấp, sổ sách kế toán chưa đạt tiêu chuẩn, ý tưởng kinh doanh có thể tốt nhưng việc chuẩn bị phương án kinh doanh chưa thực sự tốt. Do vậy, để hỗ trợ tiếp cận tài chính đối với loại hình DN này có rất nhiều việc, bao gồm tăng cường năng lực cho DN nhỏ và vừa, xây dựng phương án kinh doanh tốt, có các chế độ kế toán, sổ sách phù hợp với năng lực và số nhân viên hạn chế của DN nhỏ và vừa để họ có ý tưởng kinh doanh khả thi, có được liên kết với các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính khác nhau…
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc phát triển kinh tế ngoài quốc doanh không chỉ bảo đảm cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước mà còn tham gia vào giải quyết hàng loạt những vấn đề xã hội như tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực… Do vậy, hơn lúc nào hết, DNNQD đang cần hỗ trợ, tạo sức bật cho sự phát triển trong giai đoạn mới.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc