Nghĩ từ sự quan tâm của Thủ tướng
Sau hơn 2 tháng nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và làm việc tại Đắk Lắk. Dành nhiều thời gian quan tâm đến đời sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, Thủ tướng đã mang đến cho người dân những cảm nhận về sự gần gũi, thân tình của một lãnh đạo cấp cao của Nhà nước đối với nhân dân.
Trong buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, điều mà Thủ tướng quan tâm chính là vấn đề mà Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung đang trăn trở, đó là nước và rừng. Vốn là một vùng giàu có về tài nguyên rừng và nước nhưng đến nay, cả 2 nguồn tài nguyên này đang “rên xiết”, nước thì ngày càng cạn kiệt, còn nhiều cánh rừng đang dần bị xóa sổ. Biến đổi khí hậu, mùa mưa ở Tây Nguyên kết thúc khá sớm và lượng mưa ngày càng ít đi; những cánh rừng đầu nguồn Tây Nguyên bị đốn hạ để làm nương rẫy; người dân ồ ạt khoan, đào giếng để phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp (trong đó phần lớn để tưới cà phê, tiêu)… trở thành một vòng luẩn quẩn mà hệ lụy là các sông, suối, hồ, đập… và mực nước ngầm nhanh chóng cạn kiệt, còn hậu quả nhãn tiền là hạn hán và khô khát thì chính con người phải gánh chịu. Diện tích rừng bị suy giảm đồng nghĩa với độ che phủ của thảm thực vật rừng cũng giảm theo. Nếu năm 1976, độ che phủ rừng là 67%, thì đến năm 2015 chỉ còn 45,8% (tính cả cây cao su). Các loại rừng bị mất nhiều nhất là rừng kín lá rộng thường xanh, rừng lá rộng rụng lá, rừng thông… Tỷ lệ che phủ của rừng suy giảm, kéo theo chất lượng rừng và đa dạng sinh học rừng cũng bị suy giảm nhanh chóng. Tỷ lệ diện tích rừng giàu chỉ còn 10,4%, loại trung bình là 22,7%, còn lại 67% thuộc loại nghèo kiệt. Những loài gỗ quí có giá trị thương mại cao còn lại rất hiếm và chỉ có ở những vùng hẻo lánh, hiểm trở. Môi trường sinh thái của rừng Tây Nguyên vì vậy đang dần trở thành đơn điệu và nghèo nàn. Sự suy giảm tài nguyên rừng, đất rừng Tây Nguyên là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng sinh thái và đe dọa nguy cơ xảy ra các vấn đề môi trường nghiêm trọng như thiếu nước mùa khô, lũ quét, sạt lở đất trên diện rộng.
Trước bối cảnh biến đổi khí hậu, sa mạc hóa, nhất là hiện tượng El Nino thời gian vừa qua, Thủ tướng cho rằng phải suy nghĩ lại, từ điều tra cơ bản nguồn nước, lập quy hoạch xây dựng, quản lý, khai thác, vận hành các hồ chứa nước, những công trình phục vụ phát triển Tây Nguyên, nếu không sẽ thất bại, kể cả khi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về tưới tiết kiệm ở những vùng sản xuất tập trung. Song song đó là thực hiện nghiêm công tác quản lý, bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng bền vững. Trong đó, tập trung chỉ đạo để tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động các nông, lâm trường, bởi đây là những đơn vị nắm giữ trong tay diện tích rừng rất lớn. Thủ tướng cũng yêu cầu hoàn thiện quy hoạch kinh tế-xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực vùng Tây Nguyên để đề xuất, sửa đổi, bổi sung, ban hành mới cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc thù phát triển vùng…
Sự “nặng lòng” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về rừng và nước cùng với những chỉ đạo quyết liệt, cấp bách để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này chính điều mà đồng bào nơi đây đang mong mỏi. Đó có lẽ cũng chính là xuất phát từ một mong muốn vùng đất này cất cánh. Tin tưởng rằng, Tây Nguyên sẽ phát huy tinh thần tự lực, tự cường, để tự giàu lên từ chính mảnh đất của mình.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc