Người trồng cà phê đối mặt với khó khăn sau hạn
Sau cơn đại hạn vừa qua, nhiều hộ nông dân trồng cà phê trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với khó khăn bởi diện tích cà phê bị mất trắng cần ít nhất từ 4 đến 5 năm mới có khả năng phục hồi sản xuất…
Gia đình ông Nguyễn Sĩ Đích ở khối 8, phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) có gần 3 héc ta thì 70% diện tích bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Nắng hạn khiến vườn cây bị mất năng suất nên ông đành phải cưa đốn, ghép chồi để phục hồi lại vườn cây. Còn rẫy của gia đình anh Nguyễn Ngọc Chiến ở thôn 3, xã Ea Tar (huyện Cư M’gar), do thiếu nước trầm trọng đã bị mất trắng hoàn toàn. Anh Chiến chua xót: “Gia đình có hơn 5 héc ta trồng cà phê 10 năm tuổi, xen canh cây ăn trái. Năm ngoái cũng bị hạn mất 70% năng suất, còn năm nay thì mất trắng 100%. Cực chẳng đã tôi phải nhổ hết cà phê trong vườn để trồng lại. Đề phòng hạn những năm tiếp theo, tôi đang vay mượn để làm một hồ chứa và hệ thống tưới nhỏ giọt với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng. Trong 5 năm tới gia đình tôi không biết làm gì để sinh sống…”.
Hạn hán đã làm cho vườn cà phê nhà anh Nguyễn Ngọc Chiến thôn 3, xã Ea Tar (huyện Cư M’gar) bị cháy khô hoàn toàn. |
Là một xã có diện tích bị thiệt hại nhiều bởi hạn hán, chính quyền xã Ea Tar (huyện Cư M’gar) đang gặp khó khăn trong việc hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất. Ông Lê Thanh Cương, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, toàn xã có 2.855 ha trồng cà phê thì đã có tới 2.200 ha bị ảnh hưởng bởi hạn hán, trong đó có 185 ha mất trắng. Do đó, đa phần hộ nông dân trồng cà phê hiện nay chủ yếu nhờ vào các đại lý để vay tiền, trồng ngô, bắp, đậu…; hoặc đi làm thuê để kiếm sống. Khó khăn là vậy nhưng hiện tại, người dân chỉ mới được nhận hỗ trợ của Nhà nước trong đợt hạn của niên vụ 2014 – 2015 với mức 500.000 đồng/ha. Do đặc thù địa hình của xã nên năm nào Ea Tar cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng hạn hán vào mùa khô. Ông Cương cho hay, xã đã nhiều lần kiến nghị các cấp, ngành quan tâm đầu tư xây dựng đập Đray Trí trên suối Ea M’droh để có thể bảo đảm nguồn nước, giảm thiểu ảnh hưởng của hạn hán đến người dân, tuy nhiên, đề xuất này vẫn chưa được phê duyệt.
Được biết, tổng diện tích cà phê bị hạn trên địa bàn huyện Cư M’gar là 16.016,15 ha (trong đó mất trắng là 955,06 ha), thiệt hại ước tính gần 849 tỷ đồng. Theo ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, khó khăn lớn nhất đối với các hộ buộc phải nhổ bỏ và tiến hành tái canh cà phê là trong hai năm phải để đất trống hoặc trồng cây ngắn ngày nhằm mục đích phục hồi đất. Điều này khiến bà con mất đi nguồn thu nhập đáng kể, đời sống của nhiều hộ dân trồng cà phê sẽ càng thêm khó khăn.
Chia sẻ khó khăn với người nông dân, hiện cũng đã có nhiều công ty, đại lý thu mua nông sản cho vay vốn với lãi suất bằng 0 để hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất. Công ty TNHH Quán Quân Tây Nguyên (huyện Cư M’gar) chuyên sản xuất tinh bột sắn cũng vừa có văn bản gửi UBND huyện cho biết sẽ hỗ trợ lãi suất bằng 0 cho bà con nông dân vay vốn trồng sắn với tổng số vốn 1 tỷ đồng trong niên vụ sắn 2016 – 2017. Ông Hồ Văn Hòa, Giám đốc Công ty chia sẻ: “Nhận thấy nhiều hộ dân phải chặt bỏ cà phê do hạn hán, mà trong thời gian tái canh, diện tích đất chỉ trồng được cây ngắn ngày nên Công ty quyết định hỗ trợ người dân trồng sắn. Bên cạnh đó Công ty cũng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con theo giá thị trường, và nếu giá thị trường thấp hơn 1,5 triệu đồng/tấn, Công ty sẽ tiến hành mua sắn của bà con với giá sàn là 1,5 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Sĩ Đích, khối 8, phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) phục hồi những cây cà phê bị hư hại do hạn bằng phương pháp cưa đốn ghép chồi. |
Hiện Sở NN&PTNT cũng đã ban hành Hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật khắc phục sau hạn hán cho cây cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả nhằm từng bước hướng dẫn người dân khôi phục sản xuất. Theo đó, đối với vườn cà phê bị hạn mức độ nhẹ và trung bình, người dân cần đốn tỉa, tạo tán giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi các cành mang quả; thường xuyên theo dõi phòng trừ sâu bệnh; phun phân bón lá chuyên dùng cho cây trong trường hợp đất không đủ ẩm… Còn đối với vườn cà phê bị hạn nặng, người dân cần thực hiện các biện pháp như ghép cải tạo, cưa đốn phục hồi, chuyển đổi cây trồng và tái canh… Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Hoài Dương cho biết, cũng đã yêu cầu các đơn vị liên quan cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn, tư vấn cho các hộ nông dân nhằm có biện pháp phục hồi vườn cây trồng tốt nhất. Trước mắt, sở đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ người nông dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán với tổng kinh phí 137 tỷ đồng.
Nguyễn Gia
Ý kiến bạn đọc