Multimedia Đọc Báo in

Quay cuồng với… tiêu

09:30, 25/06/2016

Hạt tiêu được giá và không ngừng tăng cao trong những năm qua đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống của nhiều nông hộ ở vùng nông thôn, trong đó có không ít gia đình đã thật sự đổi đời. Hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này ngày càng hấp dẫn người nông dân và việc đua nhau trồng tiêu bằng mọi giá… là câu chuyện đang “nóng” tại nhiều địa phương.

Làng tỷ phú

Ở huyện Cư Kuin hiện nay đã xuất hiện những “làng tỷ phú” nhờ trúng tiêu liên tiếp trong nhiều niên vụ vừa qua bởi thu nhập hàng năm từ cây tiêu lên tới vài ba tỷ đồng. Chẳng hạn như thôn 8, 11 (xã Ea Ning), hay thôn 2, 3 và 5 (xã Ea Bhốk)… Có tiền người ta xây nhà cao cửa rộng, mua xe hơi sang trọng để hưởng thụ. Vì thế trong 2-3 năm qua, bộ mặt đời sống ở vùng quê này đã đổi khác. Từ đường sá đi lại, dịch vụ mua bán, sắm sửa… trở nên nhộn nhịp và sôi động hơn.

Trụ tiêu bằng bê tông được nhiều người ở các xã cánh Đông Bắc huyện Cư Kuin chọn lựa đầu tư dài lâu cho vườn tiêu của mình.
Trụ tiêu bằng bê tông được nhiều người ở các xã cánh Đông Bắc huyện Cư Kuin chọn lựa đầu tư dài lâu cho vườn tiêu của mình.

Anh Trần Duy Khánh ở thôn 5 (xã Ea Bhốk) lạc quan rằng, chỉ cần tiêu giữ giá từ 150-160.000 đồng trong vài năm nữa thôi, đời sống của người dân ở đây còn xông xênh gấp nhiều lần. Người ta xây biệt thự kiểu Thái hết, còn đi lại phải là xe “bốn bánh”. Anh Khánh nói quả không ngoa, ở cái thôn hơn 140 hộ dân này, nhà nào cũng “hoành tráng”, nội thất sang trọng và xe hơi loại sang, giá trên dưới 1 tỷ đã có 5-7 chiếc. Góp chuyện giàu sang lên từ vùng tiêu này, anh Hoàng Minh Sỹ cho biết thêm: Thôn 2, 3 còn “cự phú” hơn nữa nhờ họ “nuôi tiêu” từ khi giá mới 17-18.000 đồng/kg. Nay thì khỏi phải nói, nhà nào cũng có 10-12 tấn mỗi vụ, có nhà lên tới 19-20 tấn như ông Nguyễn Xuân Hải, ông Lê Vinh, bà Trần Thị Tâm. Họ trúng đậm tiêu từ 5-6 năm nay thì tiền của không biết bao nhiêu mà kể! Có thể nói, câu chuyện làm giàu từ tiêu, quả thật không thể mô tả hết ở vùng đất này. Khoan nói đến những người đang sở hữu vườn cây 5-6 ha, chỉ cần nhìn vào số hộ trung bình, có trong tay 2-3 tấn tiêu/vụ cũng đủ cho thấy mức sống của “dân tiêu” thế nào?! Ví như anh Khánh, anh Sỹ chẳng hạn- họ tâm sự: Mới bén duyên với tiêu vài năm nay, nhưng đã có cuộc sống sung túc và khấm khá. Chưa có biệt thự, xe hơi như người ta nhưng cũng tạo dựng được cơ ngơi vững vàng. Cũng mua được xe tải loại lớn chở hàng, mở dịch vụ nông nghiệp phục vụ nhu cầu sản xuất cho bà con nông dân trong vùng. Cứ thế túc tắc làm ăn, lo gì không trở thành tỷ phú!

Phải thừa nhận rằng, cây tiêu đã làm thay đổi sâu sắc đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh nhất tại các vùng dân cư trên địa bàn huyện Cư Kuin. Theo báo cáo của hai xã Ea Ning, Ea Bhốk, số hộ nghèo chỉ còn lại trên 2%, riêng các thôn có mức thâm canh cây tiêu khá cao nói trên thì hầu như không còn hộ nghèo, số hộ giàu (có thu nhập tiền tỷ mỗi năm) chiếm hơn 30%. Những con số đó đã có sức thuyết phục người dân cũng như chính quyền địa phương trong việc phá bỏ cà phê để trồng tiêu và tạo nên “cơn sốt” khi mọi nhà, mọi người ra sức quay cuồng với… loại cây trồng có giá trị này!

Trồng tiêu bằng mọi giá (!)

Dù chưa hẳn đó là mệnh lệnh, nhưng nhìn vào cung cách hành xử và thái độ bày tỏ với “cây tiêu-cây vàng” trong đời sống người dân tại các xã thuộc cánh Đông Bắc huyện Cư Kuin (gồm Cư Êwi, Ea Ning, Ea Bhốk và Ea Ktur) hẳn sẽ thấy được “mức độ quyết tâm” của họ như thế nào.

Không đủ vốn, nhiều hộ đã dùng tre làm trụ tiêu để xuống giống cho kịp thời vụ.
Không đủ vốn, nhiều hộ đã dùng tre làm trụ tiêu để xuống giống cho kịp thời vụ.

Anh Võ Văn Tĩnh ở xã Ea Ktur hy vọng cây tiêu sẽ giúp gia đình  đổi đời trong thời gian tới, nên đã dốc hết tâm lực, không ngừng mở rộng vườn tiêu của mình. Anh Tĩnh cho hay, không đủ sức mua trụ bê tông thì mua trụ gòn, so đũa…thậm chí tận dụng hết mọi thứ có thể để xuống giống tiêu cho bằng được. Anh nông dân này bảo: “Cứ nhìn xem, trong cả vùng đều như thế, bất cứ cây gì (xoài, mít, sầu riêng, bơ, vú sữa…) đều được cưa đi phần ngọn để làm trụ trồng tiêu. Có người còn dùng cả tre để làm trụ, xuống tiêu cho kịp thời vụ”. Chuyện ấy không ngoa, khi chị Nguyễn Thị Thanh (thôn 12-xã Ea Ning) cho biết: Vườn cà phê của gia đình còn lại khoảng 4 sào, nay nhổ bỏ hết để trồng tiêu. Chưa đủ vốn đầu tư nên phải mua tre cho rẻ về làm trụ, kẻo lỡ mất mùa mưa...

Có không ít người ở đây đã mạnh dạn lấy đất đổi… tiêu như ông Dương  An, hay anh Y Lor vì sốt ruột trước hiệu quả kinh tế mang lại quá cao của loại cây trồng này. Người thì đổi 1ha cà phê để lấy 5-6 sào tiêu 1-2 năm tuổi (tùy theo thỏa thuận giữa hai bên); kẻ thì bán đất lấy tiền để trực tiếp làm tiêu - từ đào hố, chọn giống và đặc biệt là mua trụ bê tông về trồng tiêu nhằm tính kế lâu dài. Do vậy dịch vụ sản xuất, cung ứng trụ bê tông cho người trồng tiêu trong vùng đã mọc lên như nấm. Dù chưa có con số thống kê chính xác, nhưng theo người dân trong vùng thì bình quân mỗi xã có tới hàng chục cơ sở sản xuất, cung ứng dịch vụ trên. Tại Ea Ning, cơ sở sản xuất trụ bê tông Thuận Thiết cho biết, mỗi tuần bán ra 500-700 trụ và theo đó giá cả cũng nhích lên qua từng năm (từ 180-220.000 đồng/trụ dài 5 m) do nhu cầu tiêu thụ khá lớn.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp huyện Cư Kuin, mùa mưa năm nay, trên địa bàn 4 xã cánh Đông Bắc sẽ có thêm khoảng 400-500 ha tiêu được trồng mới; diện tích cà phê còn lại trên địa bàn cơ bản bị “xóa sổ” để trở thành vùng chuyên canh tiêu lớn thứ hai Đắk Lắk (sau Ea H’leo) với diện tích gần 3.500 ha. Và tất nhiên, một khi trở thành vùng chuyên canh thì hàng loạt vấn đề đặt ra nhằm bảo đảm sự bền vững cho loại cây trồng này. Ông Hồ Sĩ Nguyên - Phòng Nông nghiệp huyện này cho rằng, vấn đề sâu bệnh gây hại và cách phòng chống thế nào cho hiệu quả là thách thức đặt ra. Ngoài việc người dân tự chăm sóc, tìm hiểu khoa học-kỹ thuật để ngăn ngừa, đối phó… thì cơ quan chức năng cũng cần có lộ trình, giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ cho bà con. Muốn được như thế, rất cần nguồn lực tài chính, cũng như con người được trang bị kiến thức, phương tiện khoa học-kỹ thuật để thực hiện đồng bộ và thường xuyên nhằm hạn chế rủi ro thấp nhất cho người dân, tạo điều kiện để họ yên tâm sản xuất trên vùng tiêu trọng điểm này.           

 Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.