Multimedia Đọc Báo in

Rốt ráo lập lại trật tự trong quản lý bảo vệ rừng ở Ea Súp

10:23, 17/06/2016

Nhìn thẳng vào yếu kém trong năng lực quản lý, bảo vệ rừng dẫn đến tình trạng phá rừng, vận chuyển mua bán, sang nhượng đất rừng trái phép ở Ea Súp diễn ra phức tạp trong nhiều năm, Huyện ủy Ea Súp đã chỉ đạo rốt ráo trong việc lập lại trật tự an ninh rừng bằng nghị quyết cụ thể mới được ban hành trong tháng 6-2016.

Từ thực tế yếu kém

Theo kết quả kiểm kê rừng năm 2015, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Ea Súp là 146.360,5 ha, trong đó, diện tích có rừng 87.577,2 ha (rừng tự nhiên 84.962,6 ha); diện tích đất lâm  nghiệp 58.783,3 ha. Đến nay cơ bản diện tích đất rừng và rừng đã có chủ. Trong đó, 4 công ty TNHH MTV lâm nghiệp quản lý 53.382,3 ha, Vườn Quốc gia Yok Đôn 14.583,9 ha, Bộ đội Biên phòng quản lý 5.795,5 ha; Đoàn kinh tế quốc phòng 737 trực thuộc Quân khu V quản lý 8.789,3 ha; 28 doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng 21.849,18 ha; UBND các xã, thị trấn 22.159,8 ha và các nhóm hộ nhận khoán 5.465,51 ha. Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng vẫn còn nhiều bất cập, diện tích rừng bị lấn chiếm trái phép vẫn diễn ra phức tạp trong nhiều năm chưa được xử lý dứt điểm. Từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn huyện có 15.572,66 ha rừng bị phá và lấn chiếm, riêng giai đoạn 2010-2015 là 2.391,11 ha, đã làm độ che phủ rừng suy giảm từ 65% xuống còn 49,7%. Trong đó, diện tích bị lấn chiếm thuộc các công ty TNHH MTV lâm nghiệp quản lý 7.003,37 ha; các doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng 1.973,45 ha; nhóm hộ gia đình 2.996,49 ha; Đoàn kinh tế quốc phòng 737 là 315,24 ha; UBND cấp xã 3.283,75 ha. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện vẫn còn tồn tại một số điểm nóng về khai thác, tập kết, mua bán, vận chuyển lâm sản, xây dựng lò đốt than trái pháp luật nhưng chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời. Các xưởng chế biến lâm sản, cơ sở mộc lợi dụng sơ hở thu mua gỗ bất hợp pháp để chế biến, vận chuyển, tiêu thụ gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, việc thực hiện quy hoạch ngành chế biến gỗ và di dời các cơ sở chế biến lâm sản vào cụm công nghiệp còn chậm.

Nhiều diện tích rừng của các công ty TNHH MTV lâm nghiệp trên địa bàn huyện Ea Súp bị người dân lấn chiếm, xâm canh trái phép.  Ảnh: Lê Hương
Nhiều diện tích rừng của các công ty TNHH MTV lâm nghiệp trên địa bàn huyện Ea Súp bị người dân lấn chiếm, xâm canh trái phép.

Nghị quyết vào cuộc

Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ea Súp thừa nhận, sở dĩ công tác quản lý bảo vệ rừng còn những bất cập, hạn chế là do chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của tập thể, cá nhân người đứng đầu cơ quan, đơn vị; một số cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức, công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa thường xuyên và quyết liệt về công tác này. Các vụ vi phạm chưa kịp thời xử lý và xử lý còn thiếu kiên quyết. Các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp chưa làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên lâm phần được giao, còn có tình trạng buông lỏng quản lý, bảo vệ rừng kém hiệu quả, chưa có biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng khai thác, mua bán lâm sản, phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép. Bên cạnh đó, việc tổ chức triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, huyện về vấn đề này thiếu sự phối hợp giữa các ngành chức năng với UBND cấp xã cùng đơn vị chủ rừng. Thêm vào đó, tình trạng dân di  cư ngoài kế hoạch đến Ea Súp trong những năm gần đây vừa gây áp lực lên rừng vừa phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.  Tính đến nay, toàn huyện có 1.335 hộ với 6.346 khẩu, trong đó chỉ mới bố trí, sắp xếp ổn định cho 714 hộ với 3.649 khẩu…

Huyện Ea Súp cần thêm những dự án ổn định dân di cư ngoài kế hoạch để góp phần giảm áp  lực lên rừng.  Trong ảnh: Khu tái định cư của dân di cư ngoài kế hoạch ở xã Cư Kbang.
Huyện Ea Súp cần thêm những dự án ổn định dân di cư ngoài kế hoạch để góp phần giảm áp lực lên rừng. Trong ảnh: Khu tái định cư của dân di cư ngoài kế hoạch ở xã Cư Kbang.

 Để nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền nhằm tạo chuyển biến tích cực, rốt ráo lập lai trật tự trong công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngày 7-6-2016, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU về lĩnh vực này. Trong đó, đáng chú ý là Nghị quyết sẽ tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, lãnh đạo, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, ngành chức năng về lĩnh vực này. Nếu cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị nào để xảy ra tình trạng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ thuộc quản lý vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng mà không kịp thời phát hiện, xử lý thì tập thể lãnh đạo và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Huyện ủy, đồng thời xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật. Ngoài việc chỉ đạo phải thực sự nâng cao trách nhiệm, vai trò của hạt kiểm lâm, chủ rừng (các công ty, doanh nghiệp, UBND xã, thị trấn...) trong các hoạt động tuần tra, kiểm soát lâm sản, xử lý các hành vi xâm lấn, phá rừng trái phép, Nghị quyết chỉ đạo kiên quyết xử lý, đưa ra khỏi ngành những cán bộ, công chức tiếp tay hoặc bao che cho các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng. Giao Hạt kiểm lâm chủ trì, phối hợp với ngành liên quan củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố, xét xử đối với những đối tượng vi phạm pháp luật bảo vệ rừng; kiên quyết thu hồi diện tích rừng bị lấn chiếm, sang nhượng trái phép.  

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.