Thu hồi nợ đọng thuế - Cũng cần "khoan sức" doanh nghiệp
07:26, 26/06/2016
Đến nay, số tiền nợ đọng thuế của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trong bối cảnh ngân sách đang hết sức khó khăn, thuế lại là nguồn thu chính của ngân sách thì việc thu hồi nợ đọng thuế là cần thiết, nhưng song song đó cũng cần có giải pháp tích cực hỗ trợ DN.
Tình hình nợ đọng thuế trên địa bàn tỉnh hiện đang rất phức tạp và có dấu hiệu tăng theo từng tháng. Theo số liệu của ngành Thuế, tổng nợ thuế trên địa bàn tỉnh hiện hơn 600 tỷ đồng, trong đó nhóm nợ đến 90 ngày trên 61,8 tỷ đồng, trên 90 ngày hơn 83,5 tỷ đồng, đang khiếu nại gần 2,8 tỷ đồng, nhóm nợ chờ xử trên 6,1 tỷ đồng, nhóm nợ khó thu gần 446 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ thuế của ngành Thuế tỉnh là 9,5% và buộc phải giảm xuống dưới mức 5% từ nay đến hết năm 2016 (theo chỉ tiêu Tổng Cục Thuế giao). Đây thật sự là một thách thức, nhưng dứt khoát ngành Thuế sẽ phải thực hiện những biện pháp nghiệp vụ để thu hồi số nợ đọng này. Tuy nhiên, bên cạnh tình trạng dây dưa, chây ì có một thực tế là hiện nay, nhiều DN gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; thiên tai, hạn hán gây thiệt hại nặng nề; ngân sách Nhà nước chưa thanh toán vốn xây dựng cơ bản… dẫn đến không có khả năng nộp thuế. Điều này thể hiện ở việc số nợ mới phát sinh trong những tháng đầu năm lên đến trên 32 tỷ đồng, nhiều DN vẫn “kêu trời” về gánh nặng thuế, phí. Do vậy, tháo gỡ về mặt chính sách thuế, phí chính là giải pháp lâu dài mở đường cho DN làm ăn phát triển, vực dậy những DN yếu kém. DN phát triển thì mới có khả năng để đóng thuế, tạo nguồn thu cho ngân sách. Chia sẻ vấn đề này, mới đây, tại một hội nghị về thu – chi ngân sách Nhà nước, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Trần Đăng Đức cho biết, trong tổng số nợ thuế hiện nay, có 259 tỷ đồng là “nợ khó đòi”. Tuy nhiên, hiện tỉnh còn nợ các DN xây dựng cơ bản khoảng 1.400 tỷ đồng (tương đương với số thuế DN nợ là 137 tỷ đồng). “Nếu số tiền nợ thuế này mà phải vay ngân hàng để trả thì việc trả lãi là rất khó khăn cho DN. Ngoài ra, việc Nhà nước nợ tiền xây dựng cơ bản không chỉ gây khó khăn cho DN mà cho cả ngành Thuế. Không thể thực hiện các biện pháp cưỡng chế mà chỉ theo dõi tiến độ trả nợ tại các công trình để thu thuế. Vừa qua, tỉnh cũng đã giải ngân khoảng 20 tỷ đồng xây dựng cơ bản, đó là tín hiệu đáng mừng nhưng so với con số 1.400 tỷ vẫn còn quá nhỏ” - ông Đức nói.
Rõ ràng, tình trạng nợ đọng thuế nếu còn tiếp tục kéo dài sẽ tạo ra một tiền lệ xấu mà đi cùng với nó là những hệ lụy nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp tới những DN làm ăn chân chính cũng như gây khó khăn cho ngân sách Nhà nước. Thế nhưng, trong một chừng mực nhất định, cũng không thể “ép” DN đến cùng để hoàn thành chỉ tiêu. Giải pháp căn cơ hiện nay là phải tập trung tháo gỡ những khó khăn cho DN, trong đó có vấn đề hỗ trợ DN tìm kiếm và mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, cơ quan Thuế cũng phải phân loại, thẩm định các loại nợ, đồng thời có biện pháp kiểm soát, đánh giá năng lực hoạt động của các DN từ đó đề xuất những giải pháp hoặc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nào thật sự khó khăn, hoặc phải xử lý, buộc thu hồi nợ thuế với DN nào cố tình chây ì, dây dưa không chịu nộp…
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc