Tìm hướng đi mới cho các hợp tác xã nông nghiệp
Có thể nói, mô hình hợp tác xã (HTX) đã và đang đóng vai trò khá quan trọng trong sự phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh gay gắt của thị trường cũng như yêu cầu đổi mới, những năm qua, hoạt động của các HTX nông nghiệp trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, đa phần chưa có những phương thức sản xuất kinh doanh mang tính khả thi cao, hiệu quả hoạt động ngày càng giảm sút.
Thực trạng buồn
HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình ở buôn Triết, xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana) hiện đang quản lý hệ thống công trình thủy nông cung cấp nước tưới cho khoảng 2.200 ha lúa ở huyện Krông Ana và Lắk. Nhiều năm nay HTX vẫn ở trong tình trạng khó khăn đủ bề vì không có trụ sở, thiếu vốn, thiếu nhân lực… Kinh phí hoạt động hiện nay của HTX dường như chỉ trông chờ vào nguồn vốn cấp bù thủy lợi phí của Nhà nước (theo Nghị định 67/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi). Một số đơn vị khác như HTX dịch vụ nông nghiệp Bình An (thôn 7, xã Ea Răl, huyện Ea H’leo), HTX nông nghiệp dịch vụ Cư Né (thôn 5, xã Cư Né), HTX nông - lâm - nghiệp và dịch vụ Ea Sin (xã Ea Sin), HTX dịch vụ nông nghiệp Ea Ngai (thôn 2, xã Ea Ngai, huyện Krông Búk)…, do hiệu quả của hoạt động sản xuất, dịch vụ hạn chế, thiếu điều kiện vay vốn ưu đãi từ các ngân hàng thương mại, không triển khai đầu tư được các dự án sản xuất, kinh doanh có tính khả thi cao… nên cũng chỉ hoạt động cầm chừng, hoặc đã giải thể.
Sửa chữa, vận hành máy bơm nước tại HTX nông nghiệp dịch vụ Quyết Tiến (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana). |
Ông Nguyễn Thiên Văn, Giám đốc Liên minh HTX tỉnh đánh giá: Trong quá trình hoạt động của mình, nhiều HTX đã bộc lộ những bất cập làm cản trở quá trình phát triển như: trình độ, năng lực quản lý, điều hành và nghiệp vụ chuyên môn còn hạn chế; hiệu quả hoạt động còn thấp; các HTX không có khả năng tích lũy vốn nội bộ để tái đầu tư; năng lực nội tại của nhiều HTX còn yếu kém về cả tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ và quy mô hoạt động… Toàn tỉnh hiện có 172 HTX dịch vụ nông nghiệp, trong đó mỗi năm có từ 6 - 8 HTX tuyên bố giải thể, hoặc lâm vào tình trạng hoạt động cầm chừng…
Cần hướng đi mới để tồn tại
Thực tế cho thấy, trong quá trình “vật lộn” tìm hướng đi mới, một số HTX đã đầu tư mở rộng đa dạng các dịch vụ sản xuất, kinh doanh, đem lại những lợi ích thiết thực cho xã viên. Điển hình phải kể đến HTX dịch vụ và thương mại Quỳnh Tân ở thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana). Theo ông Nguyễn Viết Tốt, Giám đốc HTX, ngoài dịch vụ cung ứng nước từ hệ thống thủy lợi thì đơn vị đã triển khai thêm các dịch vụ khác như sản xuất, kinh doanh sản phẩm gạch, đá, cát xây dựng; liên kết với một số doanh nghiệp cung ứng phân bón trả chậm; triển khai quỹ tín dụng nội bộ cho nhiều hộ xã viên vay vốn sản xuất..., từ đó đem lại nguồn thu nhập ổn định cho xã viên.
Đối với HTX dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh ở xã Bình Hòa (huyện Krông Ana), ngoài dịch vụ thủy lợi, từ năm 2015 đã đứng ra thành lập tổ thu gom rác thải trên địa bàn xã. Tổ thu gom rác thải gồm 6 người, mỗi tuần 2 lượt đi đến các đường làng ngõ xóm trong xã thu gom rác thải sinh hoạt của người dân đến bãi rác tập trung của huyện để xử lý. Dịch vụ này đã được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng và tự đóng góp 12 nghìn đồng/hộ/tháng; các cơ quan, đơn vị nhà nước đứng chân trên địa bàn cũng đóng góp từ 30- 80 nghìn đồng/tháng hỗ trợ cho tổ thu gom rác hoạt động.
Theo ông Nguyễn Thiên Văn, để tồn tại và phát triển trong giai đoạn hiện nay, các HTX phải có chiến lược sản xuất kinh doanh dài hơi, thể hiện quyền lợi sát sườn của xã viên. Ngoài ra, các HTX phải là cầu nối trong mối liên kết “4 nhà” (nhà nông-nhà quản lý-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp) để tìm đầu ra ổn định cho nông sản. Và để phát huy hiệu quả Luật HTX năm 2012 trong thực tiễn, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương cùng vào cuộc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các HTX trong quá trình chuyển đổi theo Luật HTX mới, đồng thời xây dựng Đề án đổi mới và phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2016-2020 nhằm thúc đẩy các HTX nông nghiệp phát triển bền vững.
Theo ý kiến của nhiều HTX nông nghiệp thì lâu nay các ngành chức năng của tỉnh, địa phương chưa quyết liệt trong việc thực hiện Luật HTX năm 2012 mà vẫn để cho HTX và xã viên “tự bơi” trong khó khăn. Trước thực tế ấy, họ mong rằng các ngành chuyên môn cần giúp đỡ, tạo điều kiện để tập trung xây dựng các HTX kiểu mới. Liên minh HTX cũng như các cấp, ngành cần tổ chức tổng kết, nhân rộng các mô hình điểm, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, khẳng định sự thành công và hướng đi đúng của các HTX trong thời kỳ mới; giúp các HTX tiếp cận được các nguồn vốn, chính sách, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, thông tin thị trường trong và ngoài nước…
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc