Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Siết chặt quản lý đất đai và trật tự xây dựng (Kỳ cuối)

09:11, 01/06/2016

Kỳ cuối:  Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm


Trước việc chính quyền sở tại xử lý việc sử dụng đất sai mục đích và xây dựng không phép chưa nghiêm khiến tình trạng vi phạm ngày càng phổ biến, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã tiến hành kiểm tra, khảo sát và kiên quyết xử lý từng trường hợp.

Xử lý chưa nghiêm

Trước tình trạng xây dựng không phép, trái phép và cải tạo, sử dụng đất trái quy định diễn biến phức tạp, cuối năm 2015, UBND thành phố đã chỉ đạo cho các phòng chuyên môn thành lập đoàn kiểm tra để thống kê lại số vụ việc vi phạm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi sai phạm về quản lý, sử dụng đất đai và trật tự xây dựng. Qua kiểm tra cho thấy, nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên, trước hết phải nói đến công tác quản lý của UBND các xã, phường còn lỏng lẻo, không thường xuyên kiểm tra, xử lý thiếu kiên quyết. Nhiều nơi cán bộ lơ là, thiếu trách nhiệm, xử lý không đến nơi đến chốn, thậm chí kiểm tra xong lại không lập hồ sơ xử lý; nếu có thì mới dừng ở mức xử phạt quá nhẹ so với mức độ sai phạm, do đó dẫn đến việc vi phạm trong sử dụng đất đai và trật tự xây dựng ngày càng nhiều hơn, có trường hợp sau khi bị xử phạt vẫn tiếp tục cho xây dựng mà không có biện pháp khắc phục.

Lực lượng chức năng tháo dỡ nhà xây dựng trái phép trên đất quy hoạch ở phường Tân Lập.
Lực lượng chức năng tháo dỡ nhà xây dựng trái phép trên đất quy hoạch ở phường Tân Lập.

Theo Nghị định số 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, Chủ tịch UBND cấp xã, phường có quyền phạt tiền đến 5 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm. Tuy nhiên, thực tế địa phương đã ra quyết định xử lý vi phạm hành chính còn rất ít. Đơn cử như trong số 153 công trình xây dựng trái phép hai bên đường vành đai phía tây TP. Buôn Ma Thuột chỉ mới có 34 công trình được UBND xã, phường lập hồ sơ xử phạt hành chính; trong đó, phường Tân Lợi chỉ xử lý 14/46 công trình, phường Ea Tam  xử lý 4/34 công trình, xã Cư Êbur xử lý 10/26 công trình, phường Tân Thành chưa xử lý công trình nào trong tổng số 6 công trình vi phạm.

Bên cạnh đó, phải kể đến nguyên nhân do đặc điểm của địa phương với diện tích đất nông nghiệp còn rất lớn, địa bàn rộng, việc phát triển các dự án nhà ở giá rẻ trên địa bàn thành phố chưa được đầu tư đúng mức, áp lực về nhà ở của người dân có thu nhập thấp tương đối lớn, dẫn đến việc một số hộ tự sang nhượng đất nông nghiệp, xây dựng nhà ở trái phép. Với nhiều người mua đất nông nghiệp để xây dựng nhà ở, biết là vi phạm quy định nhưng đành “nhắm mắt làm liều” bởi điều kiện kinh tế gia đình họ không cho phép để mua những mảnh đất thổ cư hay đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Trong khi đó, cũng có  người sẵn sàng nộp phạt để xây nhà trên đất nông nghiệp; hay đến việc những “đầu nậu” chớp thời cơ thu gom đất sản xuất của người dân để mở đường, phân lô bán nền cho người có thu nhập thấp xây dựng nhà ở… mà bất chấp quy định.

Không để phát sinh công trình vi phạm mới

Thừa nhận tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố đang diễn ra nghiêm trọng ở cả nội thành và ngoại thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng bày tỏ, dẫu biết không ít hộ dân đã đầu tư nhiều công sức và tiền bạc xây dựng công trình nhà ở kiên cố trên đất nông nghiệp, đây là tài sản lớn đối với nhiều gia đình, do vậy, khi xử lý sai phạm, tháo dỡ công trình gặp không ít khó khăn, phức tạp. Tuy vậy, thành phố vẫn sẽ kiên quyết xử lý từng trường hợp vi phạm; đặc biệt, không để phát sinh công trình vi phạm mới. Trong quý I năm 2016, thành phố đã ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng đối với 20 trường hợp; trong đó, có 14 trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp vi phạm quy hoạch buộc phải tháo dỡ; 4 trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp phù hợp với quy hoạch là đất ở cho tồn tại nhưng buộc chuyển mục đích sử dụng đất và xin phép xây dựng; 2 trường hợp xây dựng sai so với giấy phép xây dựng; tổng số tiền xử phạt trên 127 triệu đồng; thực hiện cưỡng chế 87 căn nhà xây dựng không phép tại phường Tân Lập và 4 căn nhà tại dự án Trường THPT Nguyễn Khuyến (phường Tân An)…

Công trình xây dựng trái phép trên đất quy hoạch (phường Tân Lập) bị cưỡng chế tháo dỡ..
Công trình xây dựng trái phép trên đất quy hoạch (phường Tân Lập) bị cưỡng chế tháo dỡ.

Theo kế hoạch xử lý của UBND thành phố, việc xây dựng nhà trái phép không dùng để ở, có hành vi lấn, chiếm đất trái phép, nhất là khu vực đất an ninh quốc phòng, đất đã có quy hoạch phân khu (không phải là đất ở), thành phố sẽ chỉ đạo thiết lập hồ sơ xử lý một cách chặt chẽ, đúng quy định; thông báo rộng rãi công khai trên phương tiện truyền thông đại chúng về hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng để các tổ chức, cá nhân có liên quan cùng phối hợp tự giác thực hiện tháo dỡ, khôi phục lại hiện trạng sử dụng đất trước khi vi phạm. Nếu tổ chức, cá nhân không tự giác, UBND phường, xã sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế tháo dỡ. Trước khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế đều có thông báo công khai để người dân nắm bắt thông tin rõ ràng.

Đối với những công trình đã xây dựng từ trước, tạm thời giữ nguyên, đối chiếu với quy hoạch để xử lý từng trường hợp một. UBND xã, phường nào để phát sinh trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, sử dụng đất sai mục đích, san gạt mặt bằng phân lô bán nền trái phép sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu. Đối với những công trình nhà ở phù hợp với quy hoạch phân khu, sẽ tổ chức hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân thực hiện việc đăng ký lập hồ sơ để chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở (không buộc tháo dỡ nhà đang xây dựng, cho phép tồn tại, lập hồ sơ để thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai,…) nhằm thực hiện đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân.

Thiết nghĩ, để chấn chỉnh tình trạng vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai, xây dựng trái phép, ngoài quyết tâm của chính quyền thành phố, UBND các xã, phường phải nâng cao trách nhiệm của địa phương trong việc giám sát, quản lý và tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao nhận thức, góp phần bảo đảm trật tự quản lý, quy hoạch đô thị.

Thúy Hồng

[links()]


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.