Bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản: Cần sự tham gia của cả cộng đồng
Đắk Lắk có hơn 800 con suối và rất nhiều hồ thủy lợi, thủy điện, tổng diện tích hơn 42.000 ha, đặc biệt, các nhánh sông Sêrêpốk có nhiều loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá mõm trâu, sọc dưa, lăng… là điều kiện thuận lợi để phát triển khai thác thủy sản. Tuy nhiên, trong những năm qua, việc khai thác quá mức khiến nguồn lợi thủy sản (NLTS) suy giảm, thậm chí nhiều loài thủy sản có nguy bị hủy diệt rất cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển.
Hồ Lắk là hồ tự nhiên lớn nhất tỉnh với diện tích mặt nước khoảng 658 ha, là môi trường sống của hàng chục loài thủy sản, sản lượng khai thác mỗi năm khoảng 100 tấn, mang lại nguồn thu nhập cho hơn 400 ngư dân sống quanh hồ. Tuy nhiên, những năm gần đây, hạn hán liên tục xảy ra cùng với tình trạng khai thác ồ ạt khiến NLTS của hồ suy giảm, nghề cá ở đây cũng suy yếu, ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm hộ dân địa phương. Mới đây, ngành nông nghiệp đã phối hợp với chính quyền địa phương thả 9.000 con cá giống để bổ sung NLTS cho hồ, trong đó, chủ yếu là các loại cá có giá trị kinh tế cao và phù hợp với môi trường sống ở đây như chạch bùn, thát lát, chép, mè. Ngoài hồ Lắk, năm 2016, Chi cục Thủy sản Đắk Lắk cũng đã thả cá giống bổ sung NLTS đối với hồ Buôn Triết, Krông Na, Ea Nhái, hồ thủy điện Sêrêpốk 3 và thủy vực sông Krông Ana, với số lượng 55.500 con. Lão ngư Ama Niên (buôn Lê, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) cho biết, rất nhiều người dân ở đây lâu nay sống nhờ nghề đánh cá ở hồ Lắk, không chỉ chủ động nguồn thực phẩm mà còn phát triển kinh tế gia đình, mấy năm gần đây, lượng cá giảm đi nhiều, sự bổ sung nguồn cá khiến bà con ở đây rất vui.
Thả cá giống để bổ sung nguồn lợi thủy sản tại hồ thủy điện Sêrêpốk 3, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn. |
Trong 5 năm qua, ngành Nông nghiệp đã thả được gần 400.000 con cá giống các loại tại các thủy vực các huyện Lắk, Krông Ana, Krông Pắc, Krông Bông, Cư Kuin, Buôn Đôn, Ea Súp, Cư M’gar, Ea Kar, Ea H’leo và Krông Búk. Ông Nguyễn Văn Nam, Chi cục phó, Chi cục Thủy sản cho biết, cá giống bổ sung hàng năm được chọn lựa kỹ càng về chất lượng, đã phát triển tốt, góp phần khôi phục, tái tạo NLTS trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy phát triển nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững. Để nâng cao hiệu quả chương trình này, các cán bộ kỹ thuật phối hợp với lãnh đạo địa phương kết hợp việc thả cá giống và tuyên truyền người dân địa phương không sử dụng lưới mắt nhỏ, hóa chất, xung điện để khai thác thủy sản nhằm bảo vệ NLTS và môi trường thiên nhiên. Tuy nhiên, vấn đề tái tạo, bổ sung NLTS cũng gặp nhiều khó khăn do ý thức bảo vệ của một bộ phận ngư dân chưa cao, vấn nạn khai thác theo hình thức tận diệt, cùng với đó là tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường tại các thủy vực. Do đó, để tái tạo hiệu quả và bảo vệ an toàn tiềm năng thủy sản tự nhiên, ngoài ý thức người dân, đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn, xử lý những hành vi tác động xấu đến môi trường và xử phạt nghiêm những trường hợp sử dụng ngư cụ, hình thức khai thác có tính chất tận diệt, nguy hiểm. Vừa qua, Bộ NN-PTNT cũng có Công văn số 2232/BNN-TCTS về việc tăng cường công tác bảo vệ và phát triển NLTS, theo đó, yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản trên các thủy vực, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt đối với các hành vi sử dụng các biện pháp khai thác thủy sản mang tính hủy diệt, sử dụng các ngư cụ bị cấm và khai thác các loài trong danh mục cấm; tăng cường xã hội hóa trong công tác tái tạo NLTS; đồng thời, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong khai thác, sử dụng và quản lý NLTS…
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc