Multimedia Đọc Báo in

Chất lượng nước uống đóng chai: Còn đó nỗi lo!

06:46, 24/07/2016

Nước uống đóng chai (NUĐC) ngày càng phổ biến trên thị trường với hàng trăm loại của các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh khác nhau. Điều đáng quan tâm là chất lượng và mức độ an toàn cho người sử dụng từ các loại nước uống này đến đâu?

Mấy năm trở lại đây, nước uống đóng chai,  bình được “phủ sóng” khá rộng rãi, từ thành thị đến các vùng nông thôn trong tỉnh, với lợi thế giá khá rẻ (khoảng từ 8.000- 15.000 đồng/ bình), tiện lợi cho nhiều người tiêu dùng (NTD). Do đó nên ngày càng có nhiều cơ sở, hộ kinh doanh tham gia sản xuất nước đá, nước uống  đóng bình, bởi  đầu tư ban đầu khá đơn giản, sức tiêu thụ khá mạnh, mang lại lợi nhuận cao.

Trên toàn tỉnh hiện có rất nhiều loại NUĐC, sự phát triển nhanh chóng của thị trường NUĐC khiến NTD khó có thể nhớ hết được nhãn mác của các sản phẩm này. Từ những cái tên quen thuộc như Dawa, Win đến những nhãn mác khá mới mẻ như Ômêly, Chưjangsin, Qua Lít, Havico, Dumax, Famida, Thewy… hầu như  đều góp mặt đầy đủ tại các đại lý, cửa hàng tạp hóa lớn, nhỏ trong tỉnh. Theo thống kê, cả tỉnh  hiện có trên 100 cơ sở sản xuất nước đá, NUĐC đã được cấp giấy chứng nhận. Phần lớn đều có quy mô nhỏ và vừa, trong khi đó, một số cơ sở sản xuất được đầu tư đơn giản, công nghệ sản xuất khá lạc hậu, chiết rót, đóng nắp, dán nhãn mác chai, bình đều được làm bằng tay, quy định sản xuất khép kín không thực hiện đầy đủ, nền gạch, tường ẩm thấp, xuống cấp, vệ sinh chai, bình không đáp ứng đủ các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)…  Theo ông Trần Văn Tiết, Chi cục phó Chi cục ATVSTP tỉnh, bên cạnh các cơ sở lớn được đầu tư bài bản, chấp hành nghiêm quy định về sản xuất sản phẩm này thì vẫn còn một số hộ khá cẩu thả, hầu như đợt kiểm tra nào cũng phát hiện cơ sở vi phạm về điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP). Cụ thể, một số cơ sở không có phòng thay đồ bảo hộ lao  động cho người tham gia sản xuất, hệ thống chiếu sáng trong khu vực chiết rót không được che chắn theo đúng quy định, chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất không có giấy xác nhận kiến thức về ATTP và giấy xác nhận đủ sức khỏe theo quy định.

Đoàn kiểm tra Chi cục ATVSTP tỉnh tiến hành kiểm tra về điều kiện sản xuất tại một cơ sở sản xuất NUĐC trên địa bàn tỉnh.
Đoàn kiểm tra Chi cục ATVSTP tỉnh tiến hành kiểm tra về điều kiện sản xuất tại một cơ sở sản xuất NUĐC trên địa bàn tỉnh.

Trong đợt thanh, kiểm tra về ATTP và lấy mẫu kiểm nghiệm (được thực hiện từ ngày 23-5 đến 9-6 vừa qua) tại 31 cơ sở sản xuất NUĐC và nước đá thực phẩm trên địa  bàn tỉnh, Chi cục ATVSTP tỉnh đã phát hiện 20 cơ sở vi phạm, phạt hành chính trên 120 triệu đồng. Đáng lo ngại hơn, qua việc lấy 25 mẫu nước (nước đá và NUĐC) để kiểm nghiệm thì có đến 12 mẫu vi phạm tiêu chuẩn chất lượng cho phép, trong đó, nhiều mẫu nhiễm vi sinh vật như Coliform, Pseudomonas aeruginosa… gây ảnh hưởng đến đường ruột, tiêu chảy.

Theo các chuyên gia y tế, riêng vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa (hay còn gọi là trực khuẩn mủ xanh), là một loại vi khuẩn phổ biến gây bệnh ở động vật và con người, thường gây ra viêm nhiễm tại cơ quan thiết yếu của cơ thể như: phổi, tim, tiết niệu, não - màng não và nhiễm trùng huyết, có thể dẫn đến tử vong. Nhiễm trùng Pseudomonas aeruginosa trầm trọng thường xảy ra ở những bệnh nhân có thời gian nằm viện dài ngày hoặc có hệ  miễn dịch yếu và điều đáng lo ngại là vi khuẩn P.aeruginosa kháng với nhiều loại kháng sinh.

NUĐC về căn bản là một sản phẩm tiện lợi đối với nhiều NTD hiện nay, nhưng nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nguy hại cho sức khỏe con người. Cũng theo ông Tiết thì thời gian qua, việc kiểm tra, kiểm soát sản phẩm này trên địa bàn được thực hiện định kỳ lẫn đột xuất, thời điểm kiểm tra thì chủ cơ sở chấp hành nghiêm các quy định về ATTP, nhưng một thời gian sau thì đâu lại hoàn đấy, cơ sở sản xuất xuống cấp hoặc chủ cơ sở tự ý cơi nới, sửa chữa sai quy định.

Thực tế cho thấy, sự đầu tư chưa được  bài  bản cộng với sức tiêu thụ mặt hàng này lớn, lợi nhuận cao khiến nhiều hộ kinh doanh vẫn cố tình vi phạm.  Do đó, để việc sản xuất NUĐC đi vào nền nếp rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng quyết liệt hơn nữa.   

Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.