Chính sách xã hội phải mang tính khả thi
Thời gian gần đây, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách ưu đãi nhắm đến đối tượng chính sách. Tuy nhiên, những chính sách này vẫn chưa thể đi vào cuộc sống.
Tại Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng, Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào nghèo người dân tộc thiểu số được xem là một trong những chủ trương đúng đắn, nếu sớm được thực thi sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn, ổn định cuộc sống, sản xuất cho hàng nghìn hộ. Tuy nhiên, theo UBND tỉnh, qua rà soát, quỹ đất để thực hiện chính sách này còn lại quá ít, không đủ hạn mức cấp theo quy định, nên rất khó để thực hiện đúng chủ trương trên. Điều đáng nói ở đây là hiện nay, vốn cho chương trình này đã có, nhưng chỉ “vướng” quy định phải sử dụng vốn để cấp đất cho đồng bào dân tộc thiểu số nên nhiều địa phương phải “ngâm” số vốn này tại Kho bạc Nhà nước mà không thể làm gì khác hơn!
Nhiều hộ dân ở huyện Krông Búk đang thiếu đất sản xuất. |
Trong khi đó, Nghị định 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020. Theo đó, hộ gia đình trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ sẽ được hỗ trợ từ 5 - 10 triệu đồng/ha để mua cây giống, phân bón, chi phí một phần nhân công bằng tiền đối với các trường hợp trồng cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ. Ngoài mức hỗ trợ trên, hộ gia đình nghèo tham gia trồng rừng còn được trợ cấp 15 kg gạo/khẩu/tháng hoặc bằng tiền tương ứng trong thời gian chưa tự túc được lương thực, nhưng không quá 7 năm; được hỗ trợ vay vốn không có tài sản bảo đảm (phần giá trị đầu tư còn lại) từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) hoặc Ngân hàng NN-PTNT tối đa 15 triệu đồng/ha, với lãi suất 1,2%/năm tính từ khi trồng đến khi khai thác theo chu kỳ kinh doanh của loài cây trồng, nhưng không quá 20 năm. Cũng theo Nghị định này, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thuộc vùng dân tộc và miền núi, thực hiện một trong các hoạt động bảo vệ và phát triển, tái sinh rừng tự nhiên… sẽ được hỗ trợ vay vốn không có tài sản bảo đảm đến 50 triệu đồng trong 10 năm để chăn nuôi trâu, bò, gia súc khác… Thế nhưng, dù đã có hiệu lực thi hành từ ngày 2-11-2015, nhưng đến nay vẫn chưa thể giải ngân được vì… chưa có vốn.
Hay mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1013/QĐ-TTg năm 2016 về lãi suất cho vay nhà ở xã hội tại NHCSXH theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội cũng đã mở ra hy vọng cho người có thu nhập thấp đủ điều kiện ổn định chỗ ở, nhưng tiếc thay, NHCSXH lại không có vốn cho vay!
Có thể kể ra đây nhiều chính sách xã hội khác chưa thể đáp ứng kỳ vọng của người dân do thiếu tính khả thi. Khi chính sách xa rời cuộc sống sẽ kéo theo nhiều hệ lụy như tốn phí ngân sách để xây dựng cơ chế chính sách, tốn phí công sức để cố đưa nó vào thực hiện, gia tăng sự thất vọng và giảm thiểu niềm tin trong nhân dân… Vậy nên để chính sách đi vào cuộc sống, người làm chính sách phải bám sát thực tiễn cuộc sống của người dân. Không thể cứ “ngồi trên mây” làm ra các chính sách để rồi nó chỉ mãi nằm trên giấy...
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc