Multimedia Đọc Báo in

Công nghiệp chế biến nông sản: Thô nhiều, tinh ít!

16:36, 13/07/2016
Có lợi thế nguồn nguyên liệu dồi dào, chất lượng tốt và giá nhân công tại chỗ rẻ, nhưng ngành công nghiệp chế biến nông sản Đắk Lắk vẫn chưa phát triển mạnh, phần lớn chế biến thô, lượng sản phẩm tinh chế còn ít.
 
Trên địa bàn tỉnh có khoảng 300 cơ sở chế biến nông, lâm sản đang hoạt động, trong đó, 219 cơ sở chế biến cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, mật ong, sắn và 81 cơ sở chế biến lâm sản. Nhìn chung, các sản phẩm chế biến hàng năm đều tăng về lượng và chất. Bên cạnh đó, đã hình thành một số cơ sở chế biến có công nghệ và thiết bị tương đối hiện đại, sản phẩm đạt chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Hoạt động chế biến nông sản cũng làm thay đổi cơ cấu hàng hóa, tăng kim ngạch xuất khẩu và góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu giá trị sản phẩm ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này vẫn còn nhiều hạn chế như chưa thực sự gắn nhà máy với vùng nguyên liệu, cơ sở chế biến quy mô nhỏ, thiết bị, công nghệ và nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; hàng hóa chưa đa dạng, chất lượng thấp, hầu hết sản phẩm chưa có thương hiệu; các cơ sở công nghiệp nông thôn thiếu vốn, năng lực sản xuất hạn chế.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi.  Ảnh: Minh Thông
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi.

Trong lĩnh vực chế biến cà phê, toàn tỉnh hiện có 23 doanh nghiệp (DN) chế biến theo công nghệ khô, tổng công suất 475.030 tấn/năm, 16 dây chuyền chế biến ướt, công suất trên 64.000 tấn/năm, 47 DN chế biến cà phê bột, tổng công suất 32.067 tấn/năm và 2 DN chế biến cà phê hòa tan, công suất 11.000 tấn/năm. Các dây chuyền chế biến cà phê nhân chủ yếu được chế tạo trong nước, một số ít dây chuyền nhập từ Brazil, Ấn Độ, Malaysia nhưng đã qua sử dụng, còn lại hầu hết là cơ sở chế biến quy mô nhỏ, máy móc, thiết bị lạc hậu. Nhiều DN đã đầu tư công nghệ chế biến ướt bằng enzim, gắn sản xuất với xử lý nước thải ra môi trường như Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pốk, Thắng Lợi, Phước An… Đối với cà phê bột, một số cơ sở có công suất lớn, dây chuyền công nghệ đồng bộ, sản phẩm chiếm được thị phần cao ở trong nước và đã tham gia xuất khẩu. Trong khi đó, chỉ có 2 DN có công nghệ chế biến cà phê hòa tan với công suất 11.000 tấn. Những con số này cho thấy, cà phê được chế biến sâu vẫn chưa nhiều (cà phê bột và cà phê hòa tan chỉ chiếm 0,6% tổng sản lượng), do đó, giá trị kinh tế và khả năng cạnh tranh của sản phẩm này vẫn còn hạn chế, đặc biệt là tại những thị trường khó tính, yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Về sản phẩm cao su, Đắk Lắk hiện có 5 nhà máy chế biến mủ cao su, tổng công suất thiết kế 33.000 tấn/năm, với dây chuyền thiết bị nhập từ Malaysia. Theo đánh giá của Sở Công thương, chất lượng mủ cao su Đắk Lắk không thua kém so với các nơi khác, tuy nhiên, do sản phẩm chủ yếu qua sơ chế, chất lượng thiếu ổn định, chủng loại không nhiều nên phần lớn cao su của tỉnh chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc với giá thấp hơn nhiều so với xuất khẩu sang các nước EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản. Thực tế, mủ cao su có thể chế biến ra rất nhiều sản phẩm từ thông dụng đến sản phẩm giá trị cao, lợi nhuận ròng của 1 ha cao su khoảng 50 - 80 triệu đồng/năm, sau khi sơ chế, giá trị của sản phẩm tăng lên gấp 1,5 - 2 lần so với cao su thô, nếu chế biến sâu, giá trị sẽ tăng lên 8 – 20 lần tùy theo sản phẩm. Hơn nữa, chế biến cao su sẽ góp phần thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, giảm chi phí nhập khẩu vật liệu, linh kiện cho các ngành công nghiệp khác.
Xưởng sản xuất dăm gỗ của HTX Tiến Nam tại xã Cư Króa (huyện M’Đrắk).
Xưởng sản xuất dăm gỗ của HTX Tiến Nam tại xã Cư Króa (huyện M’Đrắk).

Đối với cây sắn, dù có sản lượng sắn tươi nguyên liệu rất lớn, nhưng sản phẩm qua chế biến mới chỉ dừng lại ở dạng tinh bột, khả năng sản xuất thành những hàng hóa có giá trị kinh tế cao từ nông sản này như rượu, cồn, mạch nha, men thức ăn gia súc... rất hạn chế. Chưa kể, không có DN nào tận dụng tinh bột sắn biến tính làm phụ liệu cho công nghiệp chế biến giấy, nilông tự hoại, mỹ phẩm và chất độn giữ ẩm cho đất. Hoạt động chế biến các loại nông sản khác như điều, tiêu, ngô và trái cây cũng trong tình trạng tương tự, chủ yếu qua sơ chế, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất rất hạn chế. Do đó, sản phẩm phần lớn được bán đi ở dạng thô dẫn đến thực trạng đáng buồn là một số nông sản như ngô, hạt tiêu xuất đi các nơi khác chế biến rồi quay lại tiêu thụ ở thị trường nội tỉnh.

Ông Dương Hùng Ba, Trưởng Phòng Quản lý Công nghiệp (Sở Công thương) cho biết, qua rà soát trong toàn tỉnh, chỉ có khoảng 150 cơ sở chế biến nông sản có quy mô công nghiệp, còn lại là các cơ sở chế biến công suất nhỏ của người dân. Mặc dù đã có bước phát triển nhưng công nghiệp chế biến nông sản Đắk Lắk vẫn còn khá trầm lắng, năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm chưa cao. Nguyên nhân thực trạng này là phần nhiều các DN trong tỉnh thiếu năng lực tài chính để đầu tư dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất; trong khi đó, việc thu hút các DN trong và ngoài nước đến đầu tư vào lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng.
 
Minh Thông
 
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.