Multimedia Đọc Báo in

Dán tem kiểm soát trụ bơm xăng dầu: Những kết quả bước đầu đáng ghi nhận

15:53, 27/07/2016
Thực hiện Chỉ thị số 01/2016/CT-UBND, ngày 5-4-2016 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp quản lý nguồn thu và chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, từ đầu tháng 6 đến nay, Cục Thuế tỉnh đã phối hợp với Sở Khoa học – Công nghệ tổ chức dán tem niêm phong các cột bơm xăng, dầu trên địa bàn tỉnh. 
 
Được biết, hiện toàn tỉnh có 325 doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu, với 1316 trụ bơm (677 trụ bơm xăng, 639 trụ bơm dầu) cần phải tổ chức dán tem niêm phong. Đến nay, cơ quan chuyên môn đã thực hiện dán tem được gần 1000 trụ bơm tại 10 huyện, thị xã, thành phố: Buôn Ma Thuột, Cư Kuin, Ea Kar, Krông Ana, Krông  Pắc, Krông Bông, Lắk, Buôn Đôn, Ea Súp và Buôn Hồ. Công tác dán tem nhằm bảo đảm việc quản lý ghi số công tơ để xác định chính xác số lượng xăng dầu bán ra trong tháng, ngăn chặn việc khai man trốn thuế của các DN. Đồng thời ngăn chặn tình trạng tiêu thụ xăng dầu nhập lậu, hạn chế tối đa lượng xăng dầu nhập lậu tiêu thụ trên thị trường tỉnh. Việc dán tem luôn bảo đảm khách quan, minh bạch, công bằng và tuân thủ đúng quy định của pháp luật thuế nên đã nhận được sự đồng tình của cộng đồng DN kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Ông Phạm Văn Thu - Chủ DN tư nhân xăng dầu Minh Thu (xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) bày tỏ sự đồng tình với chủ trương dán tem giám sát của tỉnh vì được thực hiện nhanh chóng, không gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh của DN. Sau khi dán tem, DN buộc phải tăng cường tính tự giác và gắn trách nhiệm có tính bắt buộc trong việc viết hóa đơn cho người tiêu dùng khi bán hàng. 
 
Nguyên lý hoạt động của các loại đồng hồ đo sản lượng xăng dầu ở các cột bơm có đặc điểm chung khá giống nhau. Đó là đồng hồ tích lũy hiển thị bằng điện tử, cơ điện nguyên lý hoạt động là sau khi đồng hồ tổng điện tử đã đầy số lít quy định là 9.999.999 lít thì phần mềm trở về 0 và đồng hồ tích lũy tiếp tục nhận tín hiệu mới. Với  đặc điểm đó, cách quản lý sản lượng xăng dầu làm cơ sở tính doanh thu, tính thuế chỉ có cách là niêm phong đồng hồ của các trụ bơm xăng dầu. 

Trưởng Phòng Kiểm tra thuế số 1 (Cục Thuế tỉnh) Nguyễn Kinh Luân cho hay, để việc dán tem niêm phong các trụ bơm xăng dầu được thuận lợi, Cục Thuế tỉnh đã tổ chức đối thoại với tất cả DN kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, trong quá trình triển khai, đoàn công tác đã nhận được sự đồng thuận cao của cộng đồng DN kinh doanh xăng dầu. Qua đó, đã tạo chuyển biến lớn trong công tác quản lý thu thuế đối với loại hình kinh doanh này. Đặc biệt, chỉ sau hơn 1 tháng triển khai, lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã tăng thu được hơn 8 tỷ đồng. Điều quan trọng hơn, việc dán tem đã dần đưa hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp. Minh chứng rõ nét cho điều này là đến nay đã có 3 DN kinh doanh xăng dầu ngoài tỉnh (Công ty CP xăng dầu Phú Yên, Công ty CP dầu khí Vũng Tàu, Công ty CP dầu khí Đồng Nai) chấp nhận mở chi nhánh tại Đắk Lắk, qua đó góp phần tăng thu cho ngân sách địa phương khi các DN tỉnh ngoài muốn kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Đắk Lắk bắt buộc phải mở chi nhánh hoặc có biện pháp nộp thuế được cơ quan thuế chấp nhận.

Với những kết quả bước đầu đạt được cho thấy sự đúng đắn, kịp thời của Chỉ thị 01. Ông Nguyễn Kinh Luân cho biết thêm, sau khi hoàn thành việc dán tem tại tất cả các trụ bơm xăng dầu trên địa bàn, ngành Thuế sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát để bảo đảm mang lại hiệu quả lâu dài cho chủ trương này. Tuy nhiên, việc triển khai dán tem trụ bơm xăng dầu trên địa bàn tỉnh cần được thực hiện thống nhất trong thời gian sớm nhất; cùng với đó, phải thực hiện thay đổi phương pháp tính thuế từ khoán sang kê khai gia tăng hiệu quả.
 
Giang Nam 

Giang Nam 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.