Multimedia Đọc Báo in

Đổi mới ngành nông nghiệp: Phát huy lợi thế các sản phẩm chủ lực

15:54, 08/07/2016
Ngành nông nghiệp Đắk Lắk đang hoàn thiện đề án tái cơ cấu một cách toàn diện, điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại.
 
Tái cơ cấu – nhu cầu cấp bách
 
Đắk Lắk có thế mạnh về phát triển nông nghiệp với những sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có giá trị xuất khẩu cao như: cà phê trên 203.000 ha, cao su trên 39.000 ha, hồ tiêu gần 10.000 ha. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp địa phương đang còn nhiều hạn chế như năng suất sản xuất thấp, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm chưa cao, kết cấu hạ tầng và dịch vụ nông nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Đối với các loại cây trồng có thế mạnh, đóng góp quan trọng cho kim ngạch xuất khẩu của tỉnh cũng đang đối mặt với không ít thách thức. Cụ thể, cây cà phê từng bước già hóa, thường xuyên gặp hạn hán, trình độ chế biến chưa cao. Tương tự, cây tiêu cũng gặp nhiều rủi ro do diện tích vượt quá quy hoạch, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và chưa có cơ sở chế biến quy mô công nghiệp. Còn cây cao su thì thị trường tiêu thụ bấp bênh, chất lượng mủ chưa cao. Đối với một số loại nông sản khác như điều, ngô, sắn… lại thường xuyên đối mặt với tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” và năng lực chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế. Điều này cho thấy, nông sản Đắk Lắk chưa có được khả năng canh tác ở trình độ cao và hình thành chuỗi giá trị từ việc trồng, thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ, nên năng suất chất lượng thấp, khiến khả năng cạnh tranh trên thị trường chưa cao.
fd
Chuyên gia nước ngoài và nông dân tham quan mô hình tưới tiết kiệm tại huyện Krông Năng.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, nông sản Đắk Lắk đang tiến vào hội nhập qua việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nếu không có sự đổi mới toàn diện sẽ đối mặt nguy cơ “thua trên sân nhà”. Những khó khăn, thách thức này đang đặt ra nhu cầu cấp thiết về thay đổi mô hình tăng trưởng nông nghiệp, phát huy tối đa những tiềm năng và vượt qua rào cản. Do đó, ngành Nông nghiệp đã xây dựng và đang lấy ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà quản lý trước khi thực hiện “Đề án tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” nhằm tái cơ cấu về mô hình tăng trưởng, cấu trúc sản xuất, tổ chức chuỗi cung ứng theo cơ chế thị trường.

Phát triển nông sản chủ lực gắn với công nghiệp chế biến
 
Nhìn nhận một cách thẳng thắn những tồn tại, bất cập, Sở NN-PTNT xác định một trong những nội dung đột phá là sản xuất các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu gắn với nhóm cây có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng lớn, nhất là cà phê, tiêu, cao su, sắn, theo chuỗi giá trị toàn cầu. Cụ thể, đối với cây cà phê, đến năm 2020, diện tích chỉ ở mức 190.000 ha, năng suất 28 tạ/ha và sản lượng 532.600 tấn. Đặc biệt, vùng cà phê áp dụng công nghệ cao 40.000 ha, năng suất đạt 42 tạ/ha, sản lượng 160.000 tấn. Đến năm 2030, năng suất tăng lên 33 tạ/ha, sản lượng đạt 626.700 tấn, tái canh 27.000 ha cà phê có 100% sản lượng cà phê được cấp chứng chỉ (4C, UTZ, RainForest), 50% được chế biến ướt, cà phê hòa tan chiếm 5% tổng sản lượng. 
fgg
Mô hình ngô lai tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.

 Đối với cao su, đến năm 2020, ổn định diện tích 40.500 ha, sản lượng 125.000 tấn. Theo đó, cải tiến công nghệ, tạo cơ cấu sản phẩm hợp lý đưa giá trị sản xuất đạt 2.454 tỷ đồng; đồng thời, đầu tư các nhà máy chế biến có công suất từ 6.000 - 20.000 tấn/năm với cao su đại điền và 1.200 - 1.500 tấn/năm đối với cao su tiểu điền và nâng cấp, hoàn chỉnh thiết bị, đồng bộ hóa dây chuyền các nhà máy hiện có. Riêng cây hồ tiêu, đến năm 2020, ổn định quy hoạch ở mức 18.700 ha, năng suất đạt 32,9 tạ/ha, trong đó, vùng trồng tiêu ứng dụng công nghệ cao khoảng 3.000 ha, sản lượng 13,5 nghìn tấn. Để tránh tình trạng phá vỡ quy hoạch loại cây này, sẽ bố trí diện trồng tiêu trên các vùng đất có điều kiện tự nhiên phù hợp và tái canh các vườn cây già cỗi bằng các giống năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh. Sử dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) và các chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt, xây dựng nhà máy chế biến tiêu trắng và tiêu bột công suất 6.000 tấn/năm tại Ea H’leo theo dây chuyền công nghệ hiện đại...

 
Minh Thông

Ý kiến bạn đọc