Ea Sar huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới
Được huyện chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới, 5 năm qua, xã Ea Sar (huyện Ea Kar) đã nỗ lực huy động, tập trung mọi nguồn lực triển khai thực hiện các tiêu chí, góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông nghiệp, nông thôn.
Từ xây dựng cơ sở hạ tầng
Mỗi khi mùa mưa đến, 24 hộ dân cụm 4 ở thôn Thanh Bình đều phải gửi xe phía ngoài, lội bộ vào nhà vì con đường quá nhỏ hẹp, lầy lội. Sau khi Ban tự quản, Ban phát triển thôn cùng những người có uy tín trực tiếp xuống từng hộ dân vận động, thuyết phục thì mọi người đã “xung kích” làm đường, tự nguyện đóng góp 400.000 đồng và ngày công đổ đất, đào rãnh thoát nước, san gạt mở rộng mặt đường. Ông Hà Xuân Đẹt, Trưởng thôn cho biết: “Tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ vai trò chủ thể cũng như lợi ích khi xây dựng nông thôn mới thì họ sẽ sẵn sàng hiến đất, góp tiền, ngày công xây dựng các công trình phúc lợi”. Với cách làm tương tự như trên, chỉ trong thời gian ngắn, thôn Thanh Bình đã vận động người dân 4 cụm còn lại đóng góp 747 triệu đồng, 372 ngày công, hiến 28.542 m2 đất, gần 579 cây trồng các loại cùng với nguồn kinh phí do UBND xã hỗ trợ để làm 6 tuyến đường nội thôn, nội đồng với tổng chiều dài trên 10 km và xây dựng hội trường thôn rộng 172 m2.
Đường giao thông cụm 4 (thôn Thanh Bình) do người dân đóng góp tiền, ngày công nâng cấp, mở rộng. |
Không chỉ ở thôn Thanh Bình, 12 thôn, buôn còn lại cũng tích cực huy động nội lực trong dân để xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong 5 năm (2011-2015), người dân xã Ea Sar đã đóng góp tiền, ngày công, hiến đất, cây trồng các loại với tổng giá trị quy đổi thành tiền trên 7,5 tỷ đồng; huy động các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn đóng góp 941 triệu đồng cùng nguồn vốn ngân sách Nhà nước để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, mở rộng, xây dựng, nâng cấp các tuyến đường liên thôn, nội đồng, đường trục thôn, buôn đạt 92,3%. Bên cạnh đó, xã đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể đảm nhận, tu sửa, khơi thông cống rãnh 20 km đường giao thông nông thôn.
Đến phát triển sản xuất
Để phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, Đảng ủy xã Ea Sar đã tập trung mọi nguồn lực lãnh đạo, chỉ đạo người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững. Theo đó Hội Nông dân xã đã phối hợp với Trạm khuyến nông huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, hội thảo đầu bờ, đầu chuồng; thăm quan, học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế trên địa bàn huyện nhằm tuyên truyền, vận động, định hướng cho người dân lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp; phối hợp tín chấp cho nông dân vay vốn, mua phân bón, vật tư trả chậm…. Đồng thời, xã đã trích ngân sách đầu tư xây dựng 25 mô hình chăn nuôi heo rừng, gà sinh học, trồng cỏ nuôi bò, trồng vải, tiêu tại 13 thôn, buôn trên địa bàn.
Các mô hình này đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của người dân. Nhờ vậy, nhiều hộ đã chuyển đổi hướng phát triển kinh tế hiệu quả. Chẳng hạn như gia đình ông Đỗ Công Sơn ở thôn 2 đã chuyển từ 1,4 ha cây cà phê, tiêu kém hiệu quả sang trồng vải U Hồng, thu được 13 tấn/năm và chiết cây giống bán cho người dân trong xã, mỗi năm trừ chi phí thu lãi 200 triệu đồng. Hay gia đình chị Trần Thị Hiệu ở thôn 3, trước đây chỉ trồng cây hoa màu và chăn nuôi heo nhỏ lẻ nay đã quy hoạch lại trang trại, phát triển đa cây, đa con theo thế mạnh của địa phương (gồm lúa, ca cao, cà phê, sắn, nuôi heo rừng…) mỗi năm trừ chi phí thu lãi 150 triệu đồng… Điều đáng nói, từ chủ trương trên, xã Ea Sar đã chuyển đổi 450 ha điều kém hiệu quả sang trồng cây mía và sắn; cải tạo những diện tích đất bạc màu để trồng cây tiêu, vải; lai hóa được 90% đàn bò, heo. Đến nay, xã đã xây dựng được 8 trang trại, 2 tổ hợp tác ca cao, 2 mô hình sản xuất lúa lai, 2 câu lạc bộ nuôi bò vỗ béo và nuôi heo rừng. Thu nhập của người dân đã tăng lên 21,5 triệu đồng/năm (tăng 8,6 triệu đồng so với năm 2011).
Cán bộ Hội Nông dân xã Ea Sar thăm quan trang trại đa cây, đa con của gia đình chị Trần Thị Hiệu (thôn 3). |
Ông Lê Hồng An, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Được huyện chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, Ea Sar đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn trong xây dựng kế hoạch, lập đề án, tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới; đồng thời được đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng thực hiện công tác quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng. Trên cơ sở đó, xã đã huy động nội lực trong dân, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn và nguồn lực địa phương để thực hiện các tiêu chí khó như: giải phóng, mở rộng mặt đường, cơ cấu lao động, phát triển sản xuất”. Nhờ vậy, dù xuất phát điểm thấp (năm 2011 chưa đạt tiêu chí nào) đến năm 2013 xã đạt 3 tiêu chí và cuối năm 2015 đạt 8 tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên, theo Bí thư Đảng ủy xã Lê Hồng An, đường về đích nông thôn mới của xã khá xa bởi điều kiện kinh tế - xã hội địa phương còn nhiều khó khăn, trong khi những tiêu chí chưa đạt như thủy lợi, cơ sở vật chất giáo dục, cơ sở vật chất văn hóa, chợ, điện… đều đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn. Do đó, bên cạnh việc phát huy nội lực, huy động người dân, doanh nghiệp đóng góp, Ea Sar rất cần sự trợ lực của Nhà nước để có thể hoàn thành chương trình này vào năm 2020.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc