10:23, 11/07/2016
Rừng được xác định giữ vai trò vô cùng quan trọng trong giảm nhẹ thiên tai, nhất là trước sự tác động ngày một mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hiện nay nguồn tài nguyên này đang bị suy giảm nghiêm trọng, đòi hỏi phải có những giải pháp, cơ chế đặc thù để khôi phục, phát triển rừng bền vững…
Giảm diện tích, chất lượng rừng
Theo đánh giá tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 vừa diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột, nguồn tài nguyên rừng Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng đang bị suy giảm nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng. Kết quả kiểm kê rừng năm 2014, tỉnh Đắk Lắk có tổng diện tích tự nhiên 1.312.537 ha; trong đó đất có rừng: 507.489 ha (rừng tự nhiên 475.908,64 ha; rừng trồng 31.580,35 ha), đất chưa có rừng: 214.506,2 ha (đất có rừng trồng nhưng chưa thành rừng 20.657,7 ha; đất trống có cây gỗ tái sinh 25.457 ha; đất trống không có cây gỗ tái sinh 52.854,1 ha; đất có cây nông nghiệp 109.856,3 ha; đất khác 5.681 ha); độ che phủ rừng đạt 38,7%. Trữ lượng rừng tự nhiên 58.234.195 m3, trong đó trữ lượng rừng giàu là 25.147.144 m3, trữ lượng rừng trung bình 18.608.748 m3, trữ lượng rừng nghèo 12.144.434 m3, trữ lượng rừng nghèo kiệt 2.333.867 m3.
|
Tuần tra rừng ở Vườn Quốc gia Chư Yang Sin. Ảnh: Lê Hương |
Tình trạng khai thác, chặt phá rừng trái phép vẫn tiếp diễn nhiều năm và có xu hướng phức tạp hơn; cháy rừng, đốt rừng do các hoạt động cá nhân thường xuyên xảy ra. Việc mất rừng còn do chuyển đổi đất rừng sang đất sản xuất, chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cây công nghiệp; chuyển đất rừng để xây dựng các công trình thủy điện. Công tác quản lý, khôi phục rừng cũng còn nhiều bất cập. Các công ty lâm nghiệp chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp nhưng vẫn hoạt động dựa vào ngân sách Nhà nước với nguồn nhân lực mỏng, năng lực và trách nhiệm có hạn, cơ chế quản lý bất cập... dẫn đến hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, buông lỏng quản lý rừng. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở chế biến gỗ hình thành tự phát tràn lan không theo quy hoạch, không gắn với vùng nguyên liệu dẫn đến tình trạng tiêu thụ gỗ bất hợp pháp, làm gia tăng tình trạng khai thác gỗ trái phép. Cơ chế giao đất rừng sản xuất còn nhiều bất cập, thiếu minh bạch; tình trạng di dân ngoài quy hoạch, tăng dân số cơ học, tập quán du canh du cư vẫn tồn tại... cũng là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng rừng bị tàn phá nghiêm trọng.
Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên, về mặt khách quan là do những tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường, áp lực nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất hàng hóa, nhu cầu đất sản xuất ngày càng tăng; nhận thức của người dân khu vực ven rừng còn hạn chế. Về mặt chủ quan, đó là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng các cấp chưa được phát huy đầy đủ; chính quyền các cấp chưa thực sự coi trọng và thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý và bảo vệ rừng... Đặc biệt, hiện nay mâu thuẫn lớn đang đặt ra cần được giải quyết giữa việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo đảm vai trò tác dụng của rừng với việc mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân, nông thôn. Thực trạng này cần có chiến lược nghiên cứu, từ đó có quy hoạch, cơ chế chính sách cụ thể, mang tính đặc thù để giải quyết hài hòa.
Hướng đến mục tiêu khôi phục, phát triển rừng bền vững
Trước thực trạng cùng những tồn tại nêu trên, tỉnh Đắk Lắk đã đặt ra mục tiêu và nhiệm vụ phục hồi rừng bền vững giai đoạn 2016-2020. Theo đó, một số mục tiêu chủ yếu hướng đến là: Bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới với cơ cấu diện tích đất lâm nghiệp ổn định đến năm 2020 và định hướng tới năm 2030 khoảng 569.948 ha, chiếm khoảng 43,4% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Diện tích rừng bị thiệt hại và số vụ vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng bình quân giai đoạn 2016-2020 giảm 30-35% so với giai đoạn 2011-2015. Huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển rừng, phấn đấu đưa độ che phủ rừng hiện nay từ 38,7% (kết quả kiểm kê 2014) lên 40,4% vào năm 2020 và 42,1% vào năm 2030...
|
Kiểm lâm VQG Chư Yang Sin trong một chuyến tuần tra rừng. Ảnh: Vạn Tiếp |
Để đạt được các mục tiêu đặt ra, theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị, có 6 giải pháp chủ yếu cần triển khai thực hiện, gồm: rà soát quy hoạch; bảo vệ rừng; khôi phục rừng; sắp xếp các công ty lâm nghiệp; về chế biến lâm sản và phát triển kinh tế lâm nghiệp của người dân; nhu cầu về tài chính và nhân lực. Trong đó, cần tổ chức thực hiện nhiệm vụ thống kê quản lý diện tích rừng sau kiểm kê rừng, hoàn chỉnh việc rà soát quy hoạch ba loại rừng; tổ chức theo dõi cập nhật diễn biến tài nguyên rừng hằng năm và tổ chức phân cấp quản lý Nhà nước về rừng cho UBND cấp huyện, xã.
Bên cạnh đó, cần phải hạn chế việc chuyển đổi rừng tại các dự án, không khai thác rừng tự nhiên; tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, chế biến lâm sản và động vật hoang dã trái phép; kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào, đầu ra của các cơ sở chế biến, coi đây là giải pháp trọng tâm trước mắt và phải duy trì hoạt động thường xuyên, có hiệu quả; chú trọng công tác khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, trồng mới, trồng rừng thay thế, nâng cao chất lượng rừng. Mặt khác, có những chính sách, cơ chế mở rộng quyền chủ động trong sản xuất kinh doanh và nâng cao trách nhiệm tự bảo vệ đối với rừng sản xuất của chủ rừng; quy hoạch xây dựng các nhà máy chế biến lâm sản của tỉnh theo hướng tinh chế, hiện đại, đưa công nghiệp chế biến lâm sản trở thành mũi nhọn kinh tế của ngành, tạo công ăn việc làm, nâng giá trị sản phẩm lâm nghiệp, tăng thu nhập ổn định cho người làm nghề rừng và đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc