Multimedia Đọc Báo in

Lắp đặt thiết bị in hóa đơn tính tiền trên taxi: Tiện ích cho doanh nghiệp và hành khách

09:50, 12/07/2016
Thực hiện Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10-9-2014  của Chính phủ, trong đó có việc phải in hóa đơn tính tiền cho hành khách đi taxi, đến thời điểm này, phần lớn doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn tỉnh đã và đang hoàn tất, trong khi vẫn còn số ít DN “thong dong” trong việc thực hiện chủ trương này. 
 
Nghị định trên quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, ngoài các điều kiện phải có hành trình và lịch trình theo yêu cầu của hành khách, cước tính theo đồng hồ tính tiền căn cứ vào km xe lăn bánh, thời gian chờ đợi, xe phải có hộp đèn với chữ "TAXI" gắn cố định trên nóc xe thì từ 1-7-2016, taxi phải có thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe, lái xe phải in hóa đơn và giao cho hành khách khi thanh toán. Quy định này không những giúp DN dễ dàng quản lý doanh thu của phương tiện, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách của các đơn vị mà còn giúp hành khách thuận tiện hơn trong việc theo dõi hành trình của mình, biển số xe, số tiền, lộ trình, tên tài xế và địa chỉ DN để có thể khiếu nại khi có vấn đề phát sinh. 
 
Đắk Lắk hiện có 7 DN taxi, với 930 xe, tính đến đầu tháng tháng 7-2016, phần lớn DN này đã hoàn tất việc lắp đặt thiết bị in hóa đơn tính tiền trên taxi theo Nghị định 86, trong đó, Chi nhánh Công ty Cổ phần (CTCP) tập đoàn Mai Linh Đắk Lắk đã hoàn tất việc lắp đặt thiết bị in từ tháng 4 - 2015. Được biết, hiện nay Mai Linh Đắk Lắk có 330 đầu xe, trong đó 65 xe sở hữu của DN, 265 xe thuộc sở hữu của cá nhân. Tổng chi phí lắp đặt các thiết bị như đồng hồ tính tiền, định vị và máy in của đơn vị trên 2 tỷ đồng. Theo ông Cao Anh Sáng, Giám đốc Chi nhánh Mai Linh Đắk Lắk, việc lắp đặt thiết bị in hóa đơn tính tiền là chủ trương đúng đắn, DN thực hiện rất nghiêm túc. Tuy nhiên, DN vẫn băn khoăn, bởi chi phí cho việc này khá lớn, trong khi cước vận chuyển vẫn không thay đổi nên ít nhiều ảnh hưởng đến doanh thu của DN và chủ xe.
Tài xế Hãng Sun taxi in hóa đơn tính tiền cho hành khách.
Tài xế Hãng Sun taxi in hóa đơn tính tiền cho hành khách.

Còn Hãng Sun taxi có 54 xe, trong đó, sở hữu DN 35 xe, sở hữu xã viên 19 xe. Đến cuối tháng 6-2016 DN đã hoàn tất việc lắp đặt thiết bị in. Để các lái xe thực hiện quy định in hóa đơn tính tiền cho hành khách, DN cũng đã tổ chức họp và thường xuyên nhắc nhở để tài xế biết thực hiện nghiêm túc. Hãng taxi Quyết Tiến có số lượng đầu xe taxi lớn nhất Đắk Lắk với 480 xe (tất cả là xe của xã viên), nhưng đến đầu tháng 7 này chỉ mới lắp đặt được 200 xe. Ông Khổng Mạnh Võ, Giám đốc điều hành Công ty TNHH taxi du lịch Quyết Tiến cho biết, với các xe còn lại, đơn vị đang đôn đốc các chủ xe tiến hành lắp đặt, chậm nhất đến trung tuần tháng 7 này phải hoàn thành. 

Như đã nói ở trên, việc in hóa đơn tính tiền trên taxi đã đem lại nhiều lợi ích cho hành khách, do đó, người dân cũng nên tạo cho mình thói quen khi đi taxi nhớ lấy hóa đơn để có căn cứ giải quyết những vấn đề khiếu nại liên quan đến dịch vụ taxi.  
 
Rõ ràng, việc in hóa đơn tính tiền trên taxi là chủ trương đúng đắn, không chỉ tiện ích cho hành khách, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ hành khách của các hãng taxi mà còn là biện pháp góp phần hạn chế tình trạng taxi dù tồn tại dai dẳng lâu nay trên địa bàn tỉnh.
 
Theo thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh, từ tháng 9-2015 đến đầu tháng 6-2016, thông qua hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự ATGT trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, đã phát hiện 609 trường hợp ôtô thuộc các DN taxi vi phạm lỗi chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ. Trong đó, đáng chú ý, Phòng đã gửi thông báo vi phạm đến các đơn vị vận tải, chủ phương tiện và lái xe nhưng có đến 540 trường hợp chưa đến xử lý vi phạm theo quy định.
 
Hoàng Tuyết

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.