10:52, 07/07/2016
Thời gian qua, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên có nhiều điểm sáng, tuy nhiên việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng vẫn chưa thực sự được phát huy do còn hạn chế ở khâu liên kết vùng…
Từ thực tiễn sản xuất
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên gồm 15 tỉnh, thành, chiếm gần 30% diện tích tự nhiên của cả nước, có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, thuận lợi để phát triển các ngành sản xuất chủ lực như công nghiệp (CN) lọc hóa dầu, điện hạt nhân, thủy điện, điện gió, năng lượng mặt trời, CN chế biến và khai khoáng, chế biến nông lâm, thủy hải sản… Thêm vào đó, nằm án ngữ trên trục giao thông Bắc - Nam nên hầu hết các tỉnh đều dễ dàng liên kết với nhau bằng đường bộ, đường thủy và hàng không, đặc biệt có thể giao thương với các nước như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma, các nước Nam Á và vùng Tây Nam Trung Quốc thông qua trục hành lang kinh tế Đông - Tây, các quốc lộ 14, 19, 26, 27, 29…
Theo đánh giá của Hội nghị ngành Công thương các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên diễn ra hồi trung tuần tháng 6 vừa qua tại TP. Buôn Ma Thuột thì thời gian qua, hoạt động công nghiệp - thương mại toàn vùng có sự tăng trưởng khá. Sản xuất CN đang có dấu hiệu phục hồi rõ rệt, cơ cấu CN từng bước chuyển dịch với tỷ trọng tăng dần của CN chế biến, chế tạo, chỉ số tồn kho sản phẩm đang giảm dần qua các tháng. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm CN chủ yếu của vùng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định như cà phê bột chế biến, tinh bột sắn (Đắk Lắk), ván ép (Đắk Nông), may mặc (Huế, Bình Định), đường (Gia Lai, Quảng Ngãi), xi măng (Quảng Bình)… Tính đến tháng 6-2016, toàn khu vực có 13 khu kinh tế, 58 khu CN, 247 cụm CN đã và đang triển khai đầu tư xây dựng. 6 tháng đầu năm 2016, sản xuất CN của các tỉnh, thành phố trong khu vực có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước với giá trị sản xuất CN toàn vùng đạt 211.202 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2015.
|
Xưởng chế biến cà phê của Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk. |
Hoạt động thương mại - dịch vụ diễn ra tương đối sôi động tại các tỉnh, thành của khu vực, lưu thông hàng hóa được tổ chức thông suốt, nguồn cung dồi dào, trong năm 2015 không xảy ra bất kỳ hiện tượng khan hiếm hàng, sốt giá đột biến trong vùng. 6 tháng đầu năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 279.559 tỷ đồng, tăng trên 13%. Trong đó, một số tỉnh có mức tăng trưởng cao như Phú Yên (+29%), Đắk Lắk (+17,7%), Gia Lai (+14,1%)… Hệ thống chợ tại 15 tỉnh, thành được quan tâm đầu tư xây dựng, đã hình thành mạng lưới phân phối hàng hóa rộng khắp tại các địa phương, đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân. Tính đến nay, toàn vùng đã thực hiện đầu tư nâng cấp, xây mới 1.579 chợ, 130 siêu thị, 22 trung tâm thương mại, 470 cửa hàng xăng dầu, 3.562 cửa hàng LPG, 126 tổng kho hàng hóa, 25 tàu bán dầu trên biển…
Đến vấn đề liên kết vùng
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển, nhưng trên thực tế, sức cạnh tranh của một số sản phẩm CN, nhất là sản phẩm cùng loại so với các nước trong khu vực chưa cao, và đang chịu sự cạnh tranh gay gắt kể cả ngay trên sân nhà. Thương mại - dịch vụ ở miền núi của các tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, nhiều chợ đã xuống cấp, chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, trong khi đó, việc kêu gọi đầu tư xây dựng chợ còn gặp nhiều khó khăn. Riêng kim ngạch xuất khẩu toàn vùng tuy có tăng trưởng nhưng chậm, 6 tháng vừa qua chỉ tăng trên 8% so với cùng kỳ, ở mức đạt 3.691 triệu USD, một số thị trường xuất khẩu đang bị thu hẹp dần, giá xuất khẩu thấp.
|
Khách chọn mua hàng hóa tại Vincom Buôn Ma Thuột. |
Đáng chú ý hơn, công tác liên kết vùng còn nhiều hạn chế, trong đó, việc hợp tác giữa các tỉnh, thành thời gian qua còn khá đơn giản, mới chỉ dừng lại ở mức độ trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm chứ chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, phát triển công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh cho công nghệ, sản phẩm là thế mạnh của từng địa phương. Riêng việc phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm… của các tỉnh trong vùng chưa được thực hiện thường xuyên. Đặc biệt, các doanh nghiệp (DN) trong vùng hầu hết là DN vừa và nhỏ nên thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng còn nhiều hạn chế, trong khi đó, việc hợp tác để cung ứng, trao đổi hàng hóa, cùng nhau xây dựng thương hiệu để phát triển các sản phẩm trong khu vực chưa được quan tâm đúng mức nên chưa thúc đẩy đầu tư phát triển, khai thác hết lợi thế của vùng. Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Sở Công thương Bình Định cho rằng, việc liên kết, hợp tác giữa các tỉnh có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi địa phương, giúp mỗi tỉnh khai thác được lợi thế, tiềm năng để bổ sung cho nhau, sản phẩm của địa phương này có thể làm đầu vào của địa phương khác, qua đó sẽ hình thành chuỗi giá trị cho khu vực. Tuy nhiên, miền Trung - Tây Nguyên vẫn chưa xác định được cụ thể ngành công nghiệp hoặc dịch vụ hỗ trợ nào cần tập trung phát triển, dẫn đến tình trạng mỗi tỉnh, thành phố phát triển các ngành kinh tế một cách riêng rẻ, thiếu định hướng và chiến lược chung cho toàn khu vực.
Trao đổi tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, liên kết vùng nên tập trung vào các yếu tố liên kết trong xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, quan trọng hơn là cần hợp tác để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thế mạnh của vùng. Việc thiết lập hệ thống để trao đổi, cung cấp thông tin vùng cần kịp thời, chính xác đến các đối tượng có nhu cầu là điều hết sức cần thiết. Thứ trưởng cũng yêu cầu ngành công thương 15 tỉnh, thành phố cần tập trung tháo gỡ khó khăn của mỗi địa phương nhằm tạo môi trường thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN; chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát quản lý thị trường, đẩy lùi vấn nạn hàng giả, nhái, kém chất lượng góp phần bảo vệ người tiêu dùng và DN làm ăn chân chính; đặc biệt tăng cường hợp tác, trao đổi, phát huy sức mạnh liên kết vùng theo xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế…
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc