Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao giá trị cho nông sản Đắk Lắk

15:03, 29/07/2016
Nông nghiệp Đắk Lắk đã hình thành những vùng chuyên canh, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong tỉnh mà còn tham gia xuất khẩu, đóng góp khoảng 50% vào GDP của địa phương. Tuy nhiên, giá trị thương mại hàng hóa nông sản vẫn chưa được khai thác ở mức cao.  
 
Giá trị kinh tế chưa cao
 
Những năm gần đây, những tác động tích cực từ việc cắt giảm thuế quan, xóa bỏ rào cản thương mại theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do đã tạo điều kiện cho nông sản Đắk Lắk thâm nhập sâu vào thị trường thế giới, đóng góp đáng kể vào giá trị kim ngạch xuất khẩu của địa phương. Trong lĩnh vực cà phê, bên cạnh các doanh nghiệp (DN) thu mua, xuất khẩu cà phê Việt Nam, còn có các DN nước ngoài có nhà máy hoặc điểm thu mua trên địa bàn tỉnh. Trong chuỗi giá trị của ngành thương mại cà phê, các tư thương, đại lý, công ty thu mua cấp xã, huyện thu gom cà phê trong dân rồi bán lại cho các DN thu mua lớn để hưởng chênh lệch giá. Công ty xuất khẩu cà phê tìm kiếm thị trường, khách hàng quốc tế để tiêu thụ sản phẩm. Hằng năm, khoảng 90% tổng sản lượng cà phê nhân của tỉnh được xuất khẩu, trong đó, một lượng lớn được bán cho nhà nhập khẩu trung gian, còn các đơn hàng ký trực tiếp với nhà rang xay khá hạn chế. Điều đó cho thấy, thương mại cà phê vẫn còn qua nhiều khâu trung gian, khiến giá bán chưa tương xứng với giá trị. Thực tế, cà phê Đắk Lắk đã có mặt ở thị trường 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, là nguồn hàng xuất khẩu chính của tỉnh nhiều năm qua, nhưng lợi nhuận sản phẩm này mang lại cho người nông dân và DN xuất khẩu còn ít. Không những thế, cà phê xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô, nên giá trị kinh tế chưa cao.
 Sầu riêng Đắk Lắk có chất lượng tốt nhưng chưa tạo được thương hiệu trên thị trường. Trong ảnh: Một vườn sầu riêng tại thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar.  Ảnh: Minh Thông
Sầu riêng Đắk Lắk có chất lượng tốt nhưng chưa tạo được thương hiệu trên thị trường. Trong ảnh: Một vườn sầu riêng tại thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với tiêu Đắk Lắk, khi người nông dân rất khó khăn trong việc bán trực tiếp sản phẩm cho DN xuất khẩu mà phần lớn phải qua thương lái. Với chất lượng tốt, tiêu sản xuất tại địa phương đã thâm nhập vào các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Singapo và Nhật Bản, nhưng sản phẩm cũng chủ yếu là tiêu hạt. Trong khi đó, một số nông sản khác như cao su, sắn, điều… thì thị trường tiêu thụ chủ lực là Trung Quốc nên thường bị ép giá, kim ngạch xuất khẩu suy giảm khi thị trường này gặp biến động hoặc phải cạnh tranh với hàng hóa của nơi khác.

Đối với ngô, lúa gạo, trái cây, mặc dù được sản xuất theo quy mô hàng hóa, nhưng thị trường tiêu thụ phần lớn ở trong nước, nên giá trị kinh tế còn thấp. Riêng cây ngô, với sản lượng đứng trong tốp đầu cả nước, nhưng trên địa bàn tỉnh chỉ có một DN mở cơ sở thu mua rồi chuyển đi các nơi khác chế biến. Còn trái cây cũng chủ yếu được các thương lái thu gom, đóng bao tiêu thụ với quy mô nhỏ lẻ. Tình trạng này không những giảm giá trị kinh tế nông sản mà còn dẫn đến thất thu cho ngân sách địa phương. Nguyên nhân dẫn đến giá trị thương mại hàng hóa nông sản chưa cao do thiếu các cơ sở chế biến để tăng chất lượng nông sản; thiếu sự liên kết giữa các bên trong tiêu thụ nông sản và hạn chế trong công tác xúc tiến thương mại.
 
Tăng cường liên kết và xây dựng thương hiệu 
 
Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT chia sẻ, một trong những giải pháp hữu hiệu để giải quyết đầu ra và tăng giá trị kinh tế cho nông sản là cần phải có sự hợp tác và liên kết của nông dân với DN và tổ chức tiêu thụ. Điều này thể hiện ở liên kết giữa các hộ nông dân cùng sản xuất một loại nông sản trong việc sử dụng đất, canh tác và tiếp cận thị trường để hình thành các chuỗi giá trị hàng hóa nông sản gắn kết từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm theo quy mô lớn. Bên cạnh đó, nông dân cũng cần liên kết với các DN, cơ sở chế biến nông sản để có sự hỗ trợ vật tư, giống, phân bón và cam kết bao tiêu sản phẩm. Trên thực tế, người nông dân đã có những sự hợp tác nhất định bằng việc hình thành các tổ hợp tác sản xuất như tổ hợp tác trồng mía (huyện M’Đrắk), trồng ca cao, chăn nuôi bò thịt (huyện Ea Kar), nuôi cá (huyện Lắk) và hàng chục tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đó, các DN trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã có liên kết với các nông hộ trong việc phát triển vùng nguyên liệu, hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật và thu mua sản phẩm cho người nông dân. Tuy nhiên, những sự liên kết này chưa thật sự bền vững, quy mô, tính chất còn manh mún, nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, chất lượng nông sản không đồng đều, chưa đồng bộ về các tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm với số lượng lớn ổn định theo nhu cầu thị trường. Có thể nói, thị trường nông sản vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bấp bênh, quy mô nhỏ và thiếu tính chuyên nghiệp. Do đó, cần tạo ra chuỗi giá trị nông sản từ khâu canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến đến phân phối trên thị trường.
Nông dân huyện Krông Pắc thu hoạch cà phê liên kết với Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi.
Nông dân huyện Krông Pắc thu hoạch cà phê liên kết với Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi.

Trong khi đó, ông Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho rằng, Đắk Lắk cần chú trọng vào việc tạo dựng thương hiệu cho nông sản. Bởi trong sự cạnh trạnh khốc liệt, nông sản cần được bảo hộ thương hiệu thông qua chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, chứng nhận… Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được thực hiện hiệu quả, dẫn đến tình trạng một số sản phẩm sản xuất tại địa phương nhưng lại mang thương hiệu của nơi khác. Tại Đắk Lắk, bên cạnh cà phê Buôn Ma Thuột đã có thương hiệu thì một số nông sản khác đang trong quá trình “đặt tên”, trong đó có gạo thơm Krông Ana, sầu riêng Krông Pắc, tiêu Cư Kuin hay xoài Ea Súp… Tuy nhiên, việc định hình thương hiệu nông sản vẫn còn mờ nhạt, dẫn đến hàng hóa Đắk Lắk được tiêu thụ ở nhiều nơi, nhưng thị trường không có thương hiệu để nhận diện. Theo ông Quang, để nâng cao giá trị hàng nông sản Đắk Lắk, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, người dân và DN cần quan tâm đến xây dựng thương hiệu, trong đó, nên lựa chọn một số mặt hàng có thế mạnh để tạo đột phá về sản lượng, chất lượng tốt và giá bán cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Các DN cũng cần phải đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ và kiểm soát nguồn gốc xuất xứ sản phẩm; đồng thời, xây dựng được hình ảnh thương hiệu thông qua việc quảng bá nông sản, phát triển hệ thống phân phối tới tay người tiêu dùng.

Minh Thông

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.