Ngân hàng tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp
09:12, 25/07/2016
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) giảm sút, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã có những hành động thiết thực giúp DN vượt qua khó khăn.
Tăng cường các gói tín dụng cho doanh nghiệp
Thực hiện chính sách kích cầu của Chính phủ, chỉ đạo, định hướng của ngành Ngân hàng và của tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng DN, ngành Ngân hàng tỉnh đã tích cực triển khai các giải pháp cho vay thông qua các chương trình kết nối ngân hàng - DN; chương trình bình ổn thị trường từ nguồn vốn hỗ trợ ngân hàng; thực hiện cơ chế bảo lãnh tín dụng… nhằm hỗ trợ cho DN, nhất là DN vừa và nhỏ trên địa bàn. Trong số đó phải kể đến những chương trình như gói tín dụng ưu đãi cho DN với lãi suất chỉ từ 6%/năm của Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk (Agribank Đắk Lắk) phục vụ cho những khách hàng là DN phục vụ nông nghiệp và các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ; các DN có hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, lĩnh vực sản xuất kinh doanh có tầm bao quát rộng, cung ứng các sản phẩm dịch vụ trên toàn quốc, sử dụng nhiều dịch vụ của Agribank... vay vốn với mục đích phục vụ sản xuất kinh doanh và đầu tư dự án sẽ được cho vay ưu đãi từ 6% - 7%/năm (đối với khoản vay ngắn hạn) và từ 8% - 9,5%/năm (đối với khoản vay trung, dài hạn). Gói tín dụng ưu đãi “Tài trợ sản xuất - kinh doanh cà phê" của Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) dành cho cá nhân và DN có nhu cầu vay bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh cà phê được thế chấp với tài sản bảo đảm là chính cà phê thành phẩm hoặc cà phê nhân xô; tỷ lệ cho vay lên đến 70% giá trị cà phê thế chấp; thời gian cho vay từ 1 đến 12 tháng, tùy theo lựa chọn của khách hàng… Không chỉ đưa ra các gói tín dụng, ngân hàng còn có những biện pháp hỗ trợ DN trong quá trình tiếp cận vốn vay.
Cán bộ ngân hàng tư vấn cho khách hàng về các loại hình tín dụng. |
Đôi bên cùng có lợi
Với nỗ lực của ngành Ngân hàng, tính đến 30-6 đã có 2.785 lượt DN được vay vốn 19.949 tỷ đồng, tăng 16,5% so với đầu năm và tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, để hỗ trợ cho các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, các ngân hàng cũng đã giải ngân 1.696 tỷ đồng, tăng 29,3% so với đầu năm, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Quan trọng hơn, mối quan hệ tín dụng giữa các ngân hàng với DN trên địa bàn tỉnh đã có những cải thiện đáng kể. Hai bên đã xích lại gần nhau hơn, cùng đồng hành, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, đưa ra những phương án tối ưu để giải quyết vấn đề về vốn đầu tư cho DN. Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng cầu đường Hoàng Nam Nguyễn Thanh Hà cho biết, trong giai đoạn giải ngân vốn xây dựng cơ bản chậm như hiện nay, các DN xây dựng như công ty ông nếu không có sự giúp đỡ của ngân hàng chắc chắn sẽ khó vượt qua được khó khăn. Cũng theo ông Hà, hiện nay nhiều ngân hàng sẵn sàng cho công ty ông vay vốn đến 60% tổng giá trị công trình, với lãi suất phù hợp nếu được chủ đầu tư xác nhận dự án. Nhờ sự hỗ trợ đó, đơn vị đã đứng vững và tiếp đà phát triển, trở thành một trong những DN xây dựng cầu đường có tiềm lực mạnh, có khả năng thi công những công trình lớn như một số đoạn đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 27…
Phát biểu tại một hội nghị ngành Ngân hàng mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, DN rất cần có sự hỗ trợ của ngành Ngân hàng để vượt qua khó khăn. Hơn nữa, xét đến cùng, ngành Ngân hàng chỉ có thể tồn tại và phát triển nếu DN tồn tại và phát triển. Do đó, dù mức lãi suất như hiện nay là phù hợp để DN sản xuất, kinh doanh nhưng bên cạnh việc giải quyết vốn vay thì cán bộ ngân hàng nên đồng hành cùng DN trong việc tháo gỡ khó khăn, quản trị rủi ro tài chính, kết nối thị trường. Đồng thời cần chia sẻ và lắng nghe từ phía các DN nhiều hơn nữa.
Giang Nam
Bài, ảnh: Giang Nam
Ý kiến bạn đọc