Multimedia Đọc Báo in

Nhiều ngân hàng bất ngờ tăng lãi suất huy động

16:33, 12/07/2016
Từ đầu tháng 7 đến nay, hàng loạt ngân hàng đã tăng lãi suất huy động, trong khi thị trường lại truyền đi thông điệp giảm lãi suất cho vay. 
 
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) đã điều chỉnh khung lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân theo hướng tăng ở hầu hết các kỳ hạn, trong đó, kỳ hạn 5-12 tháng tăng 0,3% so với biểu lãi suất áp dụng từ cuối tháng 5. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 5 tháng là 5,5%, 6 tháng 6,5%, 7 tháng 6,6%, 8-11 tháng 6,7% và kỳ hạn 12 tháng 6,9%. Bên cạnh đó, VPBank cũng điều chỉnh tăng 0,2% và 0,1% lần lượt đối với các kỳ hạn 13 và 15 tháng, lên 6,9%. 
 
Khách hàng giao dịch tại TPBank
Khách hàng giao dịch tại TPBank
Một trong những ngân hàng quốc doanh, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng vừa áp mức lãi suất huy động mới tăng 0,1% đối với kỳ hạn 3 tháng, từ 5% lên 5,1%; kỳ hạn 6 và 9 tháng tăng từ 5,4% lên 5,5%.
 
Trước đó, nhiều ngân hàng như Ngân Hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng đã đồng loạt tăng nhẹ lãi suất.
 
Nguyên nhân lãi suất huy động tăng chủ yếu do các ngân hàng thương mại đẩy mạnh huy động vốn trung, dài hạn nhằm cân đối nguồn vốn trước các quy định sửa đổi của Thông tư 06/2016/TT-NHNN. Theo thông tư này, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm xuống 50% thay vì mức 60% kể từ 1-1-2017 và xuống 40% từ 1-1-2018, khiến nhu cầu vốn trung và dài hạn tăng lên đáng kể trong bối cảnh tín dụng trung, dài hạn ngày càng chiếm tỷ trọng lớn. Riêng tại Đắk Lắk, dư nợ cho vay trung, dài hạn của các tổ chức tín dụng ước 28.549 tỷ đồng, chiếm 47% tổng dư nợ cho vay, tăng 8,7% so với đầu năm.
 
Giang Nam

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.