Multimedia Đọc Báo in

Quảng Hiệp chung sức xây dựng nông thôn mới

09:04, 22/07/2016

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hơn 5 năm qua, Đảng bộ xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar) đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhờ phát huy tốt nội lực sức dân, nhiều công trình công cộng có ý nghĩa trên địa bàn xã đã hoàn thành, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

Ông Trần Ngọc Đợi, trưởng thôn Hiệp Hưng cho hay, trước đây mỗi khi họp để triển khai các công việc của thôn, xóm người dân trong thôn phải tổ chức ở nhà sinh hoạt cộng đồng cũ đã xuống cấp, chật chội. Có một hội trường kiên cố, rộng rãi để làm nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa là niềm mong mỏi bấy lâu của bà con nơi đây. Sau khi được cấp ủy, chính quyền xã vận động góp công, góp của xây nhà sinh hoạt cộng đồng theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ai cũng nhiệt tình hưởng ứng. Để bảo đảm tính công khai, minh bạch, mọi khoản đóng góp của các tổ chức, cá nhân đều được chi ủy, ban tự quản thôn ghi sổ sách đầy đủ để người dân theo dõi, giám sát. Nhờ sự đoàn kết, đồng thuận của nhân dân, nhà sinh hoạt thôn Hiệp Hưng với kinh phí 140 triệu đồng đã hoàn thành với đầy đủ công trình vệ sinh, sân thể thao, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của bà con trong thôn.

Được đánh giá là một trong những thôn đi đầu trong phong trào xây dựng NTM, những năm qua, người dân thôn Hiệp Lợi đã hiến đất, tài sản trên đất và tiền mặt để thi công gần 2km giao thông nông thôn; đóng góp gần 100 triệu đồng để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng và cổng chào thôn văn hóa… Cùng với các chính sách phát triển kinh tế hiệu quả, đời sống nhân dân được ổn định, số hộ khá ngày càng tăng lên, hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa hằng năm đều tăng. Cụ thể năm 2009 thôn có 16 hộ nghèo, 90 hộ đạt gia đình văn hóa đến nay chỉ còn 10 hộ nghèo, 136 hộ đạt gia đình văn hóa. Thôn Hiệp Lợi cũng vinh dự được công nhận là thôn đạt tiêu chuẩn thôn văn hóa cấp huyện.

Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Hiệp Hưng do người dân góp toàn bộ kinh phí.
Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Hiệp Hưng do người dân góp toàn bộ kinh phí.

Đồng chí Bùi Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Hiệp cho biết, trong những năm qua, Đảng bộ xã đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM, kiện toàn bộ máy ban chỉ đạo, điều hành xây dựng NTM từ xã xuống thôn. Cùng với sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền, kết cấu cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã đã từng bước đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Đến nay, hệ thống thủy lợi trên địa bàn đã cung cấp nước tưới cho trên 30% diện tích cây trồng. Hơn 20km đường liên xã Ea Kiết, Ea M’droh và liên huyện; khoảng 50 km đường liên thôn, hơn 200 km đường liên xóm, đường nội đồng được tu sửa hằng năm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và giao thương. Giữa năm 2015, xã đã triển khai xây dựng chợ trung tâm xã với kinh phí trên 600 triệu đồng. Hệ thống điện lưới ngày càng được củng cố, hoàn thiện, xã hiện có 20 trạm hạ thế phủ khắp 12 thôn của xã, 100% thôn có điện. Công tác xóa đói giảm nghèo, xóa nhà dột nát, tạm bợ được đẩy mạnh, trung bình giảm 3% hộ nghèo/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm… Đến nay, xã Quảng Hiệp đã đạt 17/19 tiêu chí NTM, tăng 7 tiêu chí so với năm 2012.

Hiện Quảng Hiệp vẫn còn 2 tiêu chí chưa đạt là tiêu chí giao thông và cơ sở vật chất văn hóa. Cụ thể trên địa bàn có 164,2 km đường giao thông nông thôn, trong đó hầu hết các tuyến đường mới cơ bản được cứng hóa, tỷ lệ bê tông hóa còn thấp. Về tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, tuy đã có 10/12 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng nhưng hầu hết các công trình tường rào, nhà vệ sinh, sân thể thao vẫn chưa được xây dựng do nguồn kinh phí hạn hẹp. Theo đồng chí Bùi Thanh Bình, để thực hiện 2 tiêu chí này, Đảng ủy, UBND xã đã xây dựng kế hoạch cụ thể hoàn thiện trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền cùng tinh thần tự nguyện đóng góp của quần chúng nhân dân để chương trình xây dựng NTM của Quảng Hiệp về đích đúng lộ trình đề ra.             

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.