Multimedia Đọc Báo in

Rừng vẫn chưa yên!

09:34, 25/07/2016

Theo thống kê của VQG Yok Đôn, trong 6 tháng đầu năm 2016, số cây gỗ trong vườn bị lâm tặc đốn hạ là 441 cây (giảm 63 cây (13 %) so với cùng kỳ năm 2015), phần lớn cây bị đốn hạ là gỗ quý, có giá trị kinh tế cao, tính bình quân ngày nào ở vườn cũng có một vài cây gỗ bị đốn hạ, điều đó cho thấy gỗ quý ở đây luôn đối diện mối nguy thường trực.

Giám đốc VQG Yok Đôn Đỗ Quang Tùng chia sẻ: Giữ rừng ở đây chỉ hạn chế phần nào tình trạng chặt phá, còn để rừng không bị xâm hại triệt để thì rất khó, bởi hệ sinh thái đặc trưng chủ yếu của vườn là rừng khộp có nhiều loài gỗ, thú quý hiếm giá trị kinh tế cao; địa hình bằng phẳng với khoảng 300 km chiều dài tiếp giáp với các khu dân cư, đường giao thông; nhiều diện tích rừng đã chuyển đổi mục đích sử dụng…; cùng 7 xã vùng đệm với 90 thôn, buôn, khoảng 50.000 nhân khẩu sống giáp ranh với rừng, đặc biệt, trong đó có 1 buôn sống trong vùng lõi của vườn. Do đời sống của người dân ở những khu vực này còn nhiều khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào rừng, mùa khô, đất nông nghiệp không thể canh tác do thiếu nước, người dân nhàn rỗi, thiếu việc làm nên đổ xô vào rừng kiếm thêm thu nhập. Người nghèo không có tiền mua sắm phương tiện thì đi làm thuê cho các đầu nậu gỗ hoặc tự vào rừng gùi từng khúc gỗ đem bán, người có điều kiện hơn thì mua sắm phương tiện vào…phá rừng.

Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam khảo sát hệ thực vật tại Vườn Quốc gia Yok Đôn.  Ảnh: Thúy Hồng
Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam khảo sát hệ thực vật tại Vườn Quốc gia Yok Đôn.  Ảnh: Thúy Hồng

Để từng bước khắc phục tình trạng trên và tạo thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con sống ở khu vực gần rừng, từ năm 2013, vườn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối những khu vực này. Trong đó, thực hiện Quyết định 57/QĐ-TTg ngày 9-1-2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, VQG Yok Đôn đã tiến hành khoán quản lý bảo vệ 35.000 ha cho cộng đồng 19 thôn, buôn của 3 xã Krông Na, Ea Huar, Ea Wer (huyện Buôn Đôn) với mức 200 nghìn đồng/ha/năm. Ngoài ra vườn còn có, về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng (theo Quyết định 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) cho 40 thôn, buôn, mỗi thôn buôn sẽ nhận được 40 triệu đồng/năm để mua bò (4 hộ được thôn, buôn xét duyệt sẽ nhận được 10 triệu đồng mua bò giống, sau 2 năm khi bò sinh sản thì chuyển bò mẹ cho hộ khác trong buôn còn giữ lại bê con để nuôi).

Dù được Nhà nước quan tâm đầu tư để cải thiện sinh kế, nhưng mức đầu tư vẫn còn thấp, nhỏ giọt, chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong đời sống của người dân gần rừng nên họ vẫn phải “dựa” vào rừng. Ông Tùng cho rằng, việc nâng cao đời sống của người dân gần rừng, giảm bớt sự phụ thuộc vào rừng được xem làm một biện pháp căn cơ để bảo vệ rừng, nhưng hiện nay, các nguồn lực đầu tư cho việc này còn hạn chế nên rừng vì thế vẫn chưa thể nào yên!       

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc