Tăng trưởng tín dụng - Nhiều tín hiệu lạc quan
Trong 6 tháng đầu năm, cùng với việc đạt được nhiều dấu mốc quan trọng, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh đã “phát” đi những tín hiệu lạc quan.
Vượt qua yếu tố "mùa vụ"
Với đặc thù kinh tế của tỉnh, tín dụng thường tăng trưởng mạnh vào nửa cuối năm. Tuy nhiên, sau khi có sự sụt giảm nhẹ khi bước vào tháng đầu năm 2016, tín dụng trên địa bàn tỉnh đã lấy đà tăng trở lại và tính đến nay, doanh số cho vay của các tổ chức tín dụng đã đạt con số 31.187 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, lần đầu tiên trong lịch sử, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của tỉnh (bao gồm cả Ngân hàng Phát triển khu vực Đắk Lắk – Đắk Nông) đạt 61.750 tỷ đồng, tăng 7,9% (tăng 4.500 tỷ đồng) so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn 32.187 tỷ đồng, chiếm 52,1% tổng dư nợ cho vay; tăng 3,8% so với đầu năm; tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ cho vay trung, dài hạn 29.563 tỷ đồng, chiếm 47,9% tổng dư nợ cho vay; tăng 12,6% so với đầu năm; tăng 29,8% so với cùng kỳ năm trước. Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk Tăng Hải Châu, tốc độ tăng trưởng trên hiện đang dẫn đầu khu vực Tây Nguyên và cao hơn mặt bằng chung của cả nước (hiện khoảng gần 6%). Trong khi đó, cơ cấu tín dụng giữa trung, dài hạn với ngắn hạn đang thuộc tốp cao nhất của cả nước. Một yếu tố đáng chú ý nữa là doanh số thu nợ đạt 26.687 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là yếu tố quan trọng cho thấy sự luân chuyển của dòng vốn đang diễn ra rất mạnh mẽ, bình quân mỗi tháng các tổ chức tín dụng đã cung cấp cho thị trường gần 5 nghìn tỷ đồng.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk. |
Dòng vốn "chảy" mạnh vào sản xuất
Đi kèm tốc độ tăng trưởng, các tổ chức tín dụng cũng đã bắt đầu quan tâm hơn đến kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng. Cùng với việc thiết kế từng sản phẩm tín dụng phù hợp từng ngành nghề, lĩnh vực và đối tượng khách hàng, hiện nay theo định hướng chỉ đạo từ NHNN, các ngân hàng đã tập trung đẩy mạnh tín dụng theo hướng ưu tiên các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa... Nhờ đó, cơ cấu tín dụng đã chuyển dịch theo định hướng tập trung vốn giải ngân cho vay đối với các lĩnh vực trực tiếp sản xuất, kinh doanh, khu vực kinh tế được Chính phủ khuyến khích phát triển. Dư nợ tại hầu hết thành phần kinh tế, ngành nghề kinh doanh đều tăng trưởng mạnh so với đầu năm. Chẳng hạn, dư nợ thành phần kinh tế Nhà nước tăng 2,9%; kinh tế tập thể tăng 13,6%; kinh tế tư nhân, cá thể tăng 6,2%; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 9,5%; công nghiệp và xây dựng tăng 4,6%; thương mại và dịch vụ tăng 4,6%. Trong cơ cấu cho vay, cho vay nông nghiệp, nông thôn 26.460 tỷ đồng, chiếm 42,9% tổng dư nợ cho vay; tăng 14,4% so với đầu năm với trên 329.273 khách hàng vay vốn, cho vay xuất khẩu 1.696 tỷ đồng, chiếm 2,7% tổng dư nợ toàn địa bàn, tăng 29,3% so với đầu năm, cho vay doanh nghiệp 19.949 tỷ đồng, chiếm 32,3% tổng dư nợ toàn địa bàn, tăng 16,5% so với đầu năm với hơn 2.785 lượt doanh nghiệp vay vốn.
Để có được kết quả trên là nhờ ngành Ngân hàng đã đánh giá và dự báo tình hình tốt hơn, kiên trì mục tiêu điều hành đặt ra từ đầu nhưng đã có sự chủ động, linh hoạt. Khi có các biến động, ngành Ngân hàng kịp thời đưa ra thông điệp cho thị trường kèm với giải pháp phù hợp để ổn định tâm lý, giữ vững niềm tin của thị trường. Theo ông Tăng Hải Châu, với kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2016, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18%-20%/năm của cả năm 2016 nhiều khả năng sẽ đạt được như mong đợi.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc