Multimedia Đọc Báo in

Tích cực triển khai trồng rừng vụ mới

10:56, 15/07/2016
Thời vụ trồng rừng trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu, hiện nay, các đơn vị chủ rừng, các địa phương có đăng ký tham gia trồng rừng đang tích cực triển khai công tác trồng rừng nhằm bảo đảm đúng kế hoạch đề ra. 
 
Sở NN-PTNT cho biết, trong năm 2016, toàn tỉnh có 12 đơn vị chủ rừng, địa phương đăng ký tham gia trồng mới với diện tích 2.409 ha rừng (100 ha rừng phòng hộ, 2.309 ha rừng sản xuất). Trong đó, 3 chủ rừng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ, số còn lại sử dụng nguồn vốn tự có để trồng rừng. Hiện nay, một số đơn vị chủ rừng đã bắt đầu trồng hoặc chuẩn bị xuống giống (thời vụ trồng rừng đối với các huyện Ea Súp, Ea H’leo, Krông Pắc, Krông Ana, Lắk, Krông Bông bắt đầu từ tháng 6; M’Đrắk, Ea Kar bắt đầu từ tháng 8). 
 
Tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, năm nay đợn vị đăng ký trồng mới gần 300 ha rừng. Đến nay, toàn bộ diện tích đã hoàn thành việc dọn thực bì, làm đất, chuẩn bị giống và bắt đầu xuống giống, dự kiến đến tháng 9-2016 việc trồng rừng sẽ hoàn thành, nâng tổng diện tích rừng trồng của đơn vị lên hơn 2.000 ha. Ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty cho biết, rừng trồng là nguồn thu quan trọng của đơn vị, do đó, năm nào công ty cũng chủ động chuẩn bị nguồn vốn, quỹ đất để trồng rừng mới. Diện tích rừng trồng của công ty không chỉ bó hẹp trong quỹ đất trống của mình, mà đơn vị còn thuê lại những diện tích đất cằn cỗi của người dân để trồng rừng trong vòng 10 năm, góp phần tạo thêm thu nhập và việc làm cho người dân sống gần rừng. Ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, năm nay đơn vị đăng ký trồng mới 50 ha rừng, đến nay công tác khảo sát, thiết kế, chuẩn bị giống đã hoàn thành, chỉ chờ thời tiết thuận lợi sẽ xuống giống.Trên diện tích đã đăng ký, đơn vị sẽ trồng các loại cây như muồng đen, keo lên một số trảng cỏ để tăng diện tích che phủ của rừng. 
Chăm sóc rừng trồng ở xã Cư Cróa, huyện M’Đrắk.
Chăm sóc rừng trồng ở xã Cư Cróa, huyện M’Đrắk.

Theo Sở NN-PTNT, để kế hoạch trồng rừng được triển khai đúng tiến độ, ngay từ đầu năm, Sở đã đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai xây dựng, thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật, thành lập Đoàn kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện việc trồng rừng…Tuy nhiên, Sở NN-PTNT cũng cho rằng, từ năm 2015 đến nay, việc trồng rừng đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn hỗ trợ. Bởi trong thời gian từ năm 2009-2014, do có nguồn vốn chủ yếu của Dự án FLITCH hỗ trợ từ 400-500 USD/ha/chu kỳ (đối với rừng sản xuất) và 1.000 USD/ha/chu kỳ (rừng phòng hộ) nên đã khuyến khích, động viên được các tổ chức, hộ dân, công ty lâm nghiệp thực hiện công tác trông rừng. Kết quả là dự án đã thúc đẩy công tác trồng rừng trên địa bàn tỉnh đạt 3.500-4.000 ha/ năm (cao nhất vùng Tây Nguyên). Từ năm 2015, Dự án FLITCH kết thúc hỗ trợ trồng rừng, do đó các chủ rừng phải huy động nguồn vốn tự có để trồng rừng, do nguồn vốn hạn chế nên diện tích rừng trồng chỉ đạt 1.710 ha. Ví dụ như trong năm 2016, chỉ 100 ha rừng trồng phòng hộ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, còn những diện tích rừng sản xuất thì chủ rừng phải trồng rừng bằng nguồn vốn tự có. Thực tế cho thấy, việc trồng rừng ở địa phương có giá thành cao lại bị các loài cây nông nghiệp cạnh tranh, do đó, nếu không có cơ chế hỗ trợ thì công tác trồng rừng trên địa bàn tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn. Để việc trồng mới rừng đạt kết quả cao trong thời gian tới, Sở NN-PTNT đã đề nghị UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT nghiên cứu triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư và phát triển rừng (đặc biệt là các dự án ODA) gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; chỉ đạo Sở Kế hoạch đầu tư phối hợp chặt chẽ với Sở NN-PTNT trong việc cân đối các nguồn vốn đầu tư cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng để việc bố trí vốn được phù hợp với kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng…

 
Vạn Tiếp

Ý kiến bạn đọc