Multimedia Đọc Báo in

Tiêu thụ nông sản ở huyện Ea Kar: Hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng

09:02, 22/07/2016

Làm thế nào để đẩy mạnh đầu ra, nâng cao giá trị cho sản phẩm nông sản của  huyện Ea Kar vẫn là bài toán khó. Do đó, xúc tiến thương mại đang được địa phương tăng cường nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm này.

Từ thế mạnh của nông sản chủ lực

Thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương tương đối thuận lợi để sản xuất ra nhiều sản phẩm nông sản có giá trị cao được thị trường ưa chuộng như gạo, điều, mía, sắn… Nhiều loại cây trồng chủ lực của huyện Ea Kar thời gian qua đã khẳng định chất lượng, trong đó, phải kể đến là lúa nước, bởi cây lúa ở đây được trồng trên độ cao phổ biến từ 400-500 m so với mặt nước biển, trên các nhóm đất phù sa màu mỡ phân bố tập trung dọc các sông suối, chủ yếu nằm ở phía Nam ven sông Krông Pắc nên hạt gạo có độ dẻo, thơm ngon, chiếm được cảm tình của nhiều người tiêu dùng (NTD). Những năm gần đây, nhắc đến gạo Ea Kar, người ta nghĩ ngay đến gạo của Công ty TNHH MTV Cà phê 721, bởi đây là đơn vị duy nhất của tỉnh vừa sản xuất, vừa chế biến gạo, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 1.200 tấn, với các loại gạo ML-48, RVT, OM 4900, có giá từ 11.000 đến 14.000 đồng/kg. Được biết, gạo 721 được nhiều gia đình lựa chọn bởi các quy trình sản xuất ở công ty từ khâu chọn giống, bón phân, chăm sóc, thu hoạch và chế biến được khép kín, bảo đảm đúng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) và  đã được Chi cục Vệ sinh ATTP tỉnh Đắk Lắk xác nhận, công bố phù hợp quy định ATTP. Cùng với đó, cây điều cũng cho hiệu quả kinh tế cao của địa phương, với gần 3.200 ha điều kinh doanh, cho tổng sản lượng 3.783 tấn quả. Công ty TNHH Đức Thịnh (khối 10, thị trấn Ea Knốp) là một trong những đơn vị xuất khẩu hạt điều sấy khô có tiếng của huyện. Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết, hạt điều được thu mua chủ yếu trên địa bàn huyện và các vùng lân cận, có chất lượng đáp ứng yêu cầu của đối tác, mỗi năm đơn vị xuất đi khoảng 2.500 tấn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ chính vẫn là Trung Quốc, doanh thu đạt 70 tỷ đồng/năm.

Trong xưởng sản xuất gạo của Công ty TNHH MTV Cà phê 721.
Trong xưởng sản xuất gạo của Công ty TNHH MTV Cà phê 721.

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Ea Kar, toàn huyện có 10.000 ha lúa nước, năng suất đạt 57 tạ/ ha, cho sản lượng gần 57.000 tấn/ năm, giá trị hàng hóa đạt 318.986 triệu đồng. Tuy nhiên, lâu nay các sản phẩm nông nghiệp của huyện tiêu thụ trên thị trường chủ yếu vẫn là sản phẩm thô, chưa qua chế biến sâu nên giá trị đem lại chưa cao.

Đến lộ trình xây dựng thương hiệu

Qua thực tế trên cho thấy, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết, chế biến sâu khiến giá trị sản phẩm nông sản trên địa bàn chưa cao, việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm chất lượng cao của địa  phương với khách hàng tiềm năng vẫn còn giới hạn ở phạm vi nhỏ. Mặt khác, địa phương chưa có cơ chế chính sách đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các loại cây trồng chủ lực theo chuỗi giá trị (từ khâu sản xuất, chế biến đến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm) nên hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Đơn cử như cây lúa được xác định là một trong 8 loại cây trồng chủ lực của Ea Kar, với giá trị thu được năm 2014 là 518 tỷ đồng, chiếm 14% giá trị ngành trồng trọt của địa phương, đứng vị trí thứ 3 sau cây cà phê và cây hồ tiêu. Tuy tiềm năng lớn là vậy nhưng trên địa bàn chỉ có 1 doanh nghiệp và khoảng 65 hộ gia đình, cá nhân tham gia chế biến xay xát gạo khiến hạt  gạo ở đây dù dẻo thơm vẫn chưa thể vươn xa. Tương tự, cây điều cũng mang lại nhiều giá trị kinh tế cho các DN trên địa bàn, nhưng hầu như hạt điều xuất đi vẫn ở dạng thô nên sức cạnh tranh còn thấp.

Để từng bước khắc phục tình trạng trên, các ngành chức năng của tỉnh, huyện đã và đang tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản địa phương thông qua các đợt hội chợ, triển lãm, tích cực kết nối cung - cầu đưa sản phẩm gạo, hạt điều sấy khô tiêu thụ tại một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn như siêu thị Ea Kar, bản thân DN sản xuất cũng tiến hành mở đại lý phân phối tại TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa… Riêng sản phẩm gạo, huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển thương hiệu gạo Ea Kar đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đối với các sản phẩm gạo đặc sản, giống địa phương như RVT, HT1, ML 48, IR 64, OM…, gắn với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận.

Một công đoạn chế biến hạt điều sấy khô tại Công ty TNHH Đức Thịnh.
Một công đoạn chế biến hạt điều sấy khô tại Công ty TNHH Đức Thịnh.

Cùng với đó, địa phương cũng phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh tiến hành khảo sát, kết nối giao thương, hỗ trợ DN và hộ sản xuất tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm gạo, hạt điều... Trong chuyến khảo sát, kết nối cung - cầu mới đây tại huyện Ea Kar, đã có 3 biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết giữa các DN, nhà sản xuất với nhà phân phối, bán buôn trên  địa bàn. Nằm trong khuôn khổ đó, Công ty TNHH Thu Nhơn (TP. Buôn Ma Thuột) chuyên cung cấp, phân phối bơ, hạt điều xuất khẩu cho biết, trung bình mỗi năm đơn vị này cần khoảng 500 tấn điều để cung ứng đi các nước, dự kiến, thời gian tới, đơn vị sẽ đàm phán mua nguồn nguyên liệu tại Ea Kar để phục vụ cho xuất khẩu…     

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.