09:15, 25/07/2016
Do diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm đến 71% tổng diện tích đất tự nhiên, xác định nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, trong những năm qua, TP. Buôn Ma Thuột đã đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn.
Thành phố đã chú trọng đưa các giống mới vào sản xuất, khuyến khích nông dân trồng xen nhiều loại cây trồng trên một đơn vị diện tích, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm mang lại hiệu quả cao… Nếu năm 2010, trong 68% số hộ (so với tổng hộ trồng cà phê) trồng xen cây che bóng trong vườn cà phê, có đến 2/3 diện tích trồng cây che bóng đơn thuần, thì hiện nay hầu hết đã được thay thế cây che bóng là các loại cây ăn quả hoặc hồ tiêu để tăng thu nhập nhằm hạn chế rủi ro về thị trường giá cà phê không ổn định. Nhiều diện tích trồng xen cây ăn quả đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, tăng thu nhập từ 250 – 300 triệu đồng/ha/năm. Hơn 60% diện tích cà phê (tương đương 7.000 ha) trên địa bàn đã được bón phân vi sinh tạo sự bền vững về sinh trưởng của vườn cây; diện tích cà phê được ứng dụng kỹ thuật ghép cải tạo bằng các giống tốt chiếm hơn 11% (hơn 1.300 ha), qua đó đã rút ngắn thời gian đầu tư cho thời kỳ kiến thiết cơ bản, thu nhập nhanh mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Một số mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước cho cây cà phê đã được triển khai bước đầu phát huy hiệu quả. Thành phố cũng có nhiều trang trại nấm sản xuất những sản phẩm nấm có giá trị kinh tế cao như loại nấm dược liệu (linh chi) và nấm ăn chất lượng cao (nấm chân dài, sò, rơm, mèo…), mỗi năm cung ứng khoảng 2,5 triệu bịch nấm đã cấy meo tương ứng với sản lượng thu hoạch khoảng 100 tấn nấm khô các loại cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Ở nhiều khu vực sản xuất rau tập trung, phần lớn nông dân đã ứng dụng công nghệ tưới phun mưa nhằm giảm lượng nước vô hiệu và công lao động, một số hộ có điều kiện vừa tổ chức sản xuất rau trong nhà lưới vừa kết hợp tưới phun mưa vừa hạn chế sâu bệnh hại, bảo vệ môi trường vừa tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại thu nhập cao.
Buôn Ma Thuột có hơn 3.100 hộ nông dân liên kết với các doanh nghiệp như Công ty Nestle Việt Nam, Công ty Đắk Man Việt Nam, Công ty Xuất nhập khẩu 2-9 và một số đơn vị khác triển khai hơn 2.840 ha cà phê theo chứng nhận tiêu chuẩn 4C, UTZ Certified và bao tiêu sản phẩm có sự hỗ trợ từ phía công ty. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố đã có 25% tổng diện tích lúa nước hằng năm (tương đương 750 ha) ứng dụng chương trình ICM (ba giảm, ba tăng) để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. |
Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện nay hơn 160 trang trại chăn nuôi (lớn, nhỏ) trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đang phát triển tốt và đóng góp giá trị khá trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện có khoảng 20% số hộ, trang trại chăn nuôi heo, gà công nghiệp ứng dụng hệ thống ăn uống tự động, chuồng trại hở (1.200 cơ sở), 8% trang trại ứng dụng hệ thống điều hòa nhiệt độ trong chăn nuôi. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế rất cao và bền vững, nhiều nông dân đã trở thành tỷ phú nhờ phát triển chăn nuôi trang trại theo hình thức công nghiệp. Những hộ ít có điều kiện đầu tư thì nuôi gà công nghiệp siêu trứng với công nghệ chuồng hở như hộ anh Nguyễn Đình Hợp (thôn 2, xã Cư Êbur) nuôi 4.000 con gà siêu trứng, mỗi tháng cho doanh thu hơn 150 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi từ 35-45 triệu đồng. Nuôi heo công nghiệp cũng mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân như gia đình anh Nguyễn Ngọc Huệ (thôn 3, xã Cư Êbur) lãi hằng năm 600-700 triệu đồng.
Tuy vậy, hiện nay việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp tại TP. Buôn Ma Thuột còn gặp nhiều khó khăn bởi diện tích đất nông nghiệp manh mún, có xu hướng giảm dần do quá trình đô thị hóa; thu nhập bình quân đầu người còn thấp, khó xã hội hóa đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao; cơ chế, chính sách hỗ trợ còn hạn chế trong phát triển nhân rộng sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ; thiếu nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao; công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, còn thiếu các hoạt động sản xuất chế biến nông sản…
Thiết nghĩ, để tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, TP. Buôn Ma Thuột cần đẩy mạnh quy hoạch sử dụng đất, tạo những khu hoặc vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác để đảm trách nhiệm vụ “cầu nối” giữa nông dân và các doanh nghiệp; đào tạo cán bộ chuyên trách về kỹ thuật tùy theo quy mô hoạt động phát triển ứng dụng khoa học kỹ thuật của từng lĩnh vực, thu hút lực lượng lao động trẻ tham gia vào hoạt động sản xuất này; đẩy mạnh công tác khuyến nông để nâng cao trình độ kiến thức cho bà con nông dân, xây dựng hệ thống đến tận cơ sở. Bên cạnh đó, việc chuyển giao ứng dụng công nghệ phải tham khảo ý kiến người dân trong vùng nhằm bảo đảm xuất phát từ nhu cầu của nông dân, không mang tính áp đặt để tránh lãng phí cho nhà nước và xáo trộn hoạt động sản xuất của nông dân. Hoạt động chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao phải gắn liền với công tác đào tạo trực tiếp cho các hộ tiêu biểu, nông dân yêu nghề để phát huy hiệu quả của quy trình công nghệ ứng dụng, bảo đảm việc duy trì và mở rộng mô hình ứng dụng.
Cẩm Lai
Cẩm Lai
Ý kiến bạn đọc